Xác định làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng, vừa bảo tồn được các làng nghề, vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác. Chiều tối ngày 8/2, tại Trung tâm làng nghề Mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP. Hội An), UBND xã Cẩm Kim tổ chức Ngày hội làng nghề truyền thống Kim Bồng với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của làng Kim Bồng như Trưng bày, trình nghề điêu khắc mộc, gốc tre, đóng ghe, làm chiếu, đan thúng, tráng mì, Trình diễn nghề lưới bén, rọ, rớ, chươm, vãi chài và bơi trải nghiệm, Trò chơi dân gian, Không gian ẩm thực “Món ngon Kim Bồng” …
Tham dự Ngày hội có đại diện lãnh đạo của các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo thành phố Hội An cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan. Hoạt động khai hội tại Trung tâm làng nghề Kim Bồng với nghi thức “phạt mộc”, cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian bài chòi và Lễ đón nhận Bằng công nhận nghề truyền thống Nghề chiếu cói Kim Bồng, xã Cẩm Kim, tỉnh Quảng Nam vừa được công nhận vào tháng 12 năm 2024 (tại Quyết định số 607/QĐ-SNN&PTNT ngày 09/12/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
Thực tế cho thấy, sự hấp dẫn du khách đến với làng nghề được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như không gian văn hóa làng nghề, kỹ năng của nghệ nhân, sản phẩm lưu niệm được bán tại chỗ… Do đó, kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch sẽ mở ra triển vọng lớn để phát triển.

Hình ảnh: Lãnh đạo Chi cục PTNT trao Bằng công nhận Nghề truyền thống Nghề chiếu cói Kim Bồng
Tính đến nay, trên địa thành phố Hội An có 09 nghề truyền thống và 03 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Đặc biệt, trong năm 2024, thành phố Hội An vừa được công nhận thêm 05 nghề truyền thống (Nghề đèn lồng, Nghề may đo, Nghề cao lầu, Nghề bắp nếp, Nghề chiếu cói). Các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống rất phong phú đa dạng; các sản phẩm du lịch - dịch vụ của thành phố Hội An không ngừng được đổi mới, sáng tạo, góp phần đưa Hội An trở thành một điểm đến du lịch ngày càng thu hút khách trong nước và quốc tế.
Việc nhận diện các giá trị của di sản nghề, làng nghề truyền thống Hội An, từ đó đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn được các giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, vừa bổ sung những yếu tố mới để các giá trị nghề, làng nghề ở đô thị di sản tiếp tục được giữ gìn, phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.