Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 14:53 | 31/10 Lượt xem: 531

Cách đây vài ngày, vừa gặp Tư Ruộng, ông Nguyễn Công Cường ở thôn Phú Nham Tây (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) hồ hởi nói: “Chú Tư biết không, những năm qua nhờ mô hình trồng sen chuyên canh mà gia đình tôi có nguồn thu nhập cao, cuộc sống cải thiện đáng kể”.

Tại nhiều địa phương, việc cải tạo những ruộng lúa trũng thấp sang trồng sen chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.R

Tại nhiều địa phương, việc cải tạo những ruộng lúa trũng thấp sang trồng sen chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.R

Ông Cường cho biết, gia đình ông có 1ha đất nà trên xứ đồng Lớn – Trà Lý. Do số diện tích này nằm ở khu vực trũng thấp nên nhiều năm nay việc sản xuất lúa và các loại hoa màu không mang lại hiệu quả. Thấy ở một số nơi người ta khá lên nhanh chóng nhờ trồng sen chuyên canh nên vợ chồng ông Cường quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn thuê phương tiện cơ giới cải tạo toàn bộ diện tích đất đó rồi triển khai thực hiện mô hình này. Theo ông Cường, thực tế những năm qua cho thấy, việc trồng sen chuyên canh cho giá trị kinh tế rất cao. “Mùa sen năm 2019 này, tôi tiến hành xuống giống vào đầu tháng 3 dương lịch và giữa tháng 5 là bắt tay vào thu hoạch lứa đầu. Việc thu hái đài sen kéo dài đến cuối tháng 9 là chấm dứt. Năm nay gia đình tôi thu được 4 tấn hạt sen tươi, bán sỉ tại nhà cho tư thương ở Vĩnh Điện lên mua với mức giá 35 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt 140 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho việc mua củ giống, phân NPK và Urê... chỉ tốn chừng 20 triệu đồng. Như vậy, vụ này làm 1ha sen tôi lãi ròng 120 triệu đồng, đó là chưa kể khoản thu nhập từ việc thả nuôi cá bống và cá trắm cỏ trong ao sen” – ông Cường chia sẻ.

Trao đổi với Tư tôi vào cuối tuần qua, ông Trần Châu Giang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, không kể những diện tích đã thực hiện trong các năm trước, chỉ tính riêng vụ hè thu 2019 nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển đổi 145ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng sen chuyên canh kết hợp với nuôi cá nước ngọt và những loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, ớt, đậu xanh, dưa leo, đậu bắp, dưa gang... “Qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, vụ này bình quân 1ha đất chuyển đổi mang lại cho nhà nông mức thu nhập từ 90 – 110 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với trước đây gieo sạ lúa. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vận động, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình này. Đồng thời nỗ lực hỗ trợ nhà nông liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định đầu ra nông sản” – ông Giang nói.

Không riêng Duy Xuyên, theo tìm hiểu của Tư tôi, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu của năm 2019, nông dân ở các địa phương khác của tỉnh như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Hiệp Đức, Nông Sơn... tiếp tục chuyển đổi ít nhất 600ha đất lúa sang trồng sen và một số loại cây công nghiệp ngắn ngày. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, bình quân 1ha đất lúa chuyển đổi đạt giá trị 60 – 90 triệu đồng/vụ, tăng 30 – 50 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác lúa.


Tác giả: Tư Ruộng

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: