Chi tiết tin

A+ | A | A-

WHAT'S OCOP: CỨU CÁNH CHO NÔNG DÂN VIỆT?

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 9:28 | 26/06 Lượt xem: 561

Bạn có biết gì về OCOP?

1. OCOP là gì? What

OCOP là tên viết tắt của 4 từ tiếng anh One Commune One Product, nghĩa là mỗi xã một sản phẩm. Đây là một chương trình quốc gia được phát động trong những năm gần đây. Chương trình này được kế thừa, tham khảo từ chương trình OVOP của Nhật Bản vào những năm 1980 và OTOP ở Thái Lan vào những năm 2000. Ở Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu chương trình này ở Miền Bắc và Bến Tre là nơi thử nghiệm OCOP đầu tiên ở Miền Nam.

Nói đến "Mỗi xã một sản phẩm" có hai thuật ngữ hay thông tin cần hiểu rõ, đó là "sản phẩm" và "xã".

Sản phẩm trong chương trình này có nghĩa rộng hơn nhiều người nghĩ. Sản phẩm của chương trình không chỉ gói gọn trong các loại nông sản thô mà bao gồm đến 6 nhóm sản phẩm: (1) thực phẩm; (2) đồ uống; (3) thảo dược; (4) vải, hàng dệt may; (5) hàng mỹ nghệ, trang trí và (6) du lịch cộng đồng. Nếu căn cứ vào các tiêu chí công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-5 sao, những sản phẩm nông sản thô sẽ khó được công nhận nếu không được xây dựng thương hiện và chuẩn hoá quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, chương trình này sẽ khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư chuẩn hoá có nông sản tươi, chế biến các nông sản tươi thành các loại thực phẩm chế biến và đồ uống khác nhau, tiến tới việc đạt các tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Từ "xã" trong chương trình này không nên được hiểu một cách cứng nhắc theo cách phân chia địa giới hành chính. Nó được hiểu như là một từ chỉ cộng đồng có những điểm chung nào đó. Cộng đồng đó có thể chỉ gồm một hay một vài thôn ấp, nhưng cũng có thể bao hàm một cộng đồng rộng hơn, gồm nhiều thôn ấp khác nhau, thuộc nhiều xã khác nhau. Hiểu và thực hiện theo cách này giúp giảm tính manh mún và cạnh tranh giữa các chủ thể cùng sản xuất kinh doanh một mặt hàng với nhau trong cùng một cộng đồng khu vực mà thuộc các xã khác nhau. Thay vì cạnh tranh, những người kinh doanh cùng ngành kết hợp lại với nhau để cộng hưởng sức mạnh. Biết rằng bắt tay trở thành độc quyền không có lợi cho phúc lợi xã hội nhưng những người yếu thế như nông dân rất cần kết hợp để tạo sức mạnh, để nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách với người thành thị.

2. Why? Tạo sao cần triển khai OCOP

Muốn trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại bối cảnh của nông nghiệp và nông sản Việt. Nói thẳng ra là cần chẩn đoán bệnh và xem xét xem OCOP có phải là loại thuốc đặc trị không?

Nông sản Việt như thế nào? Lần lượt nhìn vào hai khía cạnh số lượng và chất lượng, bạn nhé!

Nhìn vào tổng sản lượng sản xuất, sản lượng và giá trị xuất khẩu và vị trí xuất khẩu, nhiều người tự hào về nền nông nghiệp Việt, nào là: đứng nhất thế giới về tiêu điều; đứng hai hoặc ba thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê... Đáng tự hào thật, nhưng không quá vinh quang đâu bởi lẽ sản xuất và xuất khẩu nông sản thô là chiến lược mà thế giới bỏ lâu rồi, không ai quan tâm tranh giành với Việt Nam ta cả.

Có thể dễ dàng nhận thấy, nông nghiệp là lĩnh vực kém hiệu quả kinh tế nhất xét cả khía cạnh sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn nhân lực. Hãy tưởng tượng cần bao nhiêu đất đai, bao nhiêu lao động, bao nhiêu phân thuốc, bao nhiêu thời gian... để sản xuất đủ gần 9 tấn lúa để đổi ngang giá lấy cái Iphone Xs Max 256Gb với giá 36 triệu. Tương tự, cái điện thoại bé xíu ấy có giá trị tương đương 15 con heo nặng 100kg thời nhũng giá.

Nói vòng vòng như trên chỉ để minh chứng cho thấy chúng ta làm nông nghiệp nhiều mà giá trị chẳng bao nhiêu. Lĩnh vực nông nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất (gần 50% lao động làm NN nhưng chỉ đóng góp dưới 20%GDP), thế nên năng suất lao động chung của Việt Nam mới thấp, chỉ bằng 1/12 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia hay là đã bị Lào vượt qua.

Vấn đề cốt lõi nhất của tình trạng kém hiệu quả trên là do Việt Nam chúng ta chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô. Để tăng giá trị, việc phát triển công nghiệp chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm, chuẩn hoá về chất lượng là cần thiết. Hình như OCOP đang hướng đến điều này. Hãy tìm hiểu qua các tiêu chí chấm điểm OCOP rồi các bạn sẽ thấy.

Một căn bệnh nghiêm trọng và kinh niên của nông nghiệp Việt Nam trong các năm qua là mất cân đối về cung cầu. Câu "Được mùa mất giá" như nhiều người xem là bệnh thực chất chỉ là triệu chứng, biểu hiện bệnh chứ không phải là bệnh. Chỉ có thể hiểu như thế thì mới có thể trị tận gốc, chứ không trị kiểu "giải cứu". Nhiễm khuẩn đường ruột gây sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt sẽ không ăn thua gì đâu, chỉ giúp tạm thời qua cơn thôi. Phải tìm và diệt khuẩn mới trị tận gốc được.

Nhìn vào phía cung, cung tăng nhanh là tác nhân chính dẫn đến hầu hết các hiện tượng tuột giá không phanh của rất nhiều loại nông sản, từ cao su trước đây, đến tiêu và một số loại cây ăn trái theo từng thời điểm. Thử hỏi, ai mà ăn thêm nhiều tiêu cho được dù có giàu hơn, giá có rẻ hơn? Vậy mà diện tích trồng tiêu tăng hầu như tăng gấp đôi ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm trong những năm tiêu sốt giá. Không thừa và giảm giá không phanh mới lạ.

Cung tăng mất kiểm soát, vượt quy hoạch cũng bởi sản xuất NN ở Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún và tự phát từ những người nông dân riêng lẻ. Mặt khác, hầu hết nông dân Việt chưa được nhận thức rõ về quy luật vận hành của thị trường. Trong khi đó, khuyến nông đến giờ này chủ yếu chỉ hướng dẫn kỹ thuật hơn là tập huấn về kiến thức kinh tế, cung cấp thông tin và dự báo về thị trường nông sản. Chính vì thế nên cứ thấy cái gì giá cao vào một thời điểm nào đó thì nông dân đổ xô vào trồng, đến khi thu hoạch ít ai mua nên giá rẻ thì lại chặt. Lãng phí vô cùng tổ quốc ta ơi, đặc biệt là trường hợp các cây lâu năm phải tốn nhiều thời gian kiến thiết cơ bản.

Để có thể kiểm soát tốt hơn vấn để trên, có lẽ cần phải hỗ trợ xây dựng các mối liên kết giữa các nông dân với nhau. Bên cạnh lợi thế theo quy mô sẽ được bàn sau, hình thức kinh tế tập thể như tổ hợp tác hay hợp tác xã sẽ giúp cơ quan chức năng dễ kiểm soát và tư vấn định hướng sản xuất hơn. Các chuyên gia không thể đến từng hộ để cung cấp thông tin thị trường và hướng dẫn quyết định nên/không nên trồng gì, nhưng có thể làm điều đó với một hợp tác xã hay tổ hợp tác.

Đến đây, người viết nhớ lại lời của một giảng viên về hợp tác xã người Canada. Thầy ấy nói ở Quebec bên đó, một số HTX được cấp quota, hạn ngạch, để sản xuất. Và nhà sản xuất cũng tuân theo, bởi lẽ họ nhận thức được rằng nếu sản xuất thừa thì sản phẩm sẽ là RÁC. Câu chuyện này được gợi nhớ để cho thấy đôi khi cần có chút kiểm soát của bàn tay hữu hình để giảm tổn thất cho chính nhà sản xuất.

Như vậy, cung tăng ào ạt do tính tự phát của nông dân riêng lẻ dẫn đến các tổn thất và tính kém hiệu quả trong sản xuất vì giảm giá. Thế nên cần kiểm soát tốt hơn phía cung. Và OCOP hướng đến việc phát triển nông nghiệp thông qua các hình thức kinh tế tập thể, kết hợp với hộ kinh doanh và doanh nghiệp có đã ký, thế nên phần nào đó giúp dễ dàng kiểm soát và tư vấn định hướng sản xuất hơn.

Tiếp tục lý giải cho sự cần thiết của chương trình OCOP khi nhìn ở góc độ cầu hàng hóa liên quan đến chất lượng sản phẩm và sự đa dạng hóa sản phẩm.

Trong trường hợp cung tăng, nếu cầu tăng đồng thời với một tỷ lệ bằng hoặc cao hơn thì giá sản phẩm không giảm, thậm chí còn tăng. Thật không may, với rất nhiều hàng nông sản ở Việt Nam, cầu đã bảo hòa, không thể tăng được nữa. Điển hình nhất có thể nhận thấy đó là sản phẩm hồ tiêu. Đây là một sản phẩm mà hầu như không còn co giãn theo giá hay theo thu nhập được nữa. Nói khác đi, nếu người tiêu dùng nội địa có giàu hơn, giá có giảm đi nhiều thì người tiêu dùng cũng không thể mua tiêu nhiều hơn để ăn nữa. Mặt khác, nhìn vào thị trường thế giới thì hồ tiêu Việt Nam cũng gần như bảo hòa vì chúng ta đã đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu rồi nên còn rất ít dư địa để tăng sản lượng xuất khẩu. Đó là lý do mà giá tiêu rớt không phanh, rơi tự do từ 250.000 đ/kg xuống còn chỉ khoảng 40.000 đ/kg vào thời điểm bi đát nhất.

Từ câu chuyện trên của hồ tiêu, chúng ta cũng có thể phân tích tương tự đối với cầu các loại hàng hóa khác. Chẳng hạn, với hai loại nông sản mà người dân đang tăng diện tích là bưởi và sầu riêng, chúng ta cũng có thể phán đoán rằng cầu về bưởi có thể sẽ tăng mạnh hơn so với sầu riêng, cả nội địa và xuất khẩu, nếu như chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Tương tự, mức độ co giãn của bưởi cũng cao hơn so với sầu riêng, một sản phẩm mà không phải ai cũng ăn được. Từ lý do trên, có thể thấy bưởi có vẻ ổn hơn và sẽ tụt giá với mức độ thấp hơn sầu riêng nếu cả hai đều tăng cùng tỷ lệ phía bên cung. Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ đúng với nông sản thô, chưa đạt chuẩn, và chưa được chế biến. Nếu sản phẩm đạt chuẩn và được đa dạng hóa sản phẩm thông qua công đoạn chế biến, cái mà có thể đạt được qua OCOP, thì câu chuyện có thể hoàn toàn khác.

Thật vậy, hãy thử tưởng tượng nếu tất cả sầu riêng chất lượng được đảm bảo, người tiêu dùng không sợ tình trạng nhúng thuốc thì ắt hẳn cầu sẽ tăng dù ít hay nhiều. Trong thực tế, có rất nhiều người dù rất thèm sầu riêng, nhưng chỉ dám mua từ những nơi quen biết và tin tưởng thôi. Do vậy, đảm bảo chất lượng để tăng cầu là một giải pháp giúp hạn chế giảm giá khi tăng cung. Mặt khác, ngoài cầu sầu riêng để ăn tươi, cầu sầu riêng nói chung có thể sẽ tăng nếu công nghệ chế biến phát triển. Khi sầu riêng được chế biến ra hàng chục, hàng trăm sản phẩm khác nhau, được bán cả trong nước và xuất khẩu, thì có lẽ nỗi lo của người nông dân sẽ vơi dần.

Câu chuyện sầu riêng ở trên cho thấy, nhiều nông sản đang đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, nhưng thực chất cung đang thiếu so với cầu nếu chúng ta gắn thêm chữ "chất lượng đảm bảo" vào hàng nông sản ấy. Trái cây không thiếu nhưng thiếu trái cây sạch; rau không thiếu nhưng thiếu rau an toàn phục vụ cho người tiêu dùng. Mặt khác, nếu nông sản tươi sống có thừa mà đưa vào ngành công nghiệp chế biến để tạo ra nhiều mặt hàng chế biến, có thể lưu trữ bảo quản được thì cầu sẽ đa dạng, chẳng những trong nước mà có thể xuất khẩu. Xuất khẩu trái cây tươi qua thị trường Mỹ, châu Âu... rất khó khăn vì dễ hỏng hoặc chi phí cao nếu đi máy bay. Nhưng nếu chế biến ngon lành, rồi xuất thì có lẽ sẽ dễ hơn nhiều. Khi hàng chế biến tiêu thụ mạnh, nhiều nông sản sẽ được thu mua, cầu cao thì giá cao hoặc rớt ít, nhờ đó thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân sẽ được tăng cao.

Dù bài viết đến đây chỉ xoay quanh 3 cây mà có diện tich tăng nhanh, nhưng lý luận và phân tích tương tự có thể được gán cho tất cả các loại nông sản khác. Chung quy lại, ngoài bài toán quy hoạch diện tích trồng, giải pháp tăng cầu thông qua việc nâng cao và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đồng thời phát triển nhanh các ngành chế biến nông sản là hết sức cần thiết. Chính vì điều đó, có thể xem OCOP là một giải pháp hay khi OCOP hướng đến hai vấn đề chính này.

Đó là lý do chính mà người viết ủng hộ tuyệt đối chương trình OCOP này vì cho đến thời điểm hiện tại chưa thấy một chính sách riêng lẻ nào hữu hiệu hơn để nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng giá trị hàng nông sản, giải quyết bài toán nhỏ lẻ của nông dân. Hơn thế nữa, ngay cả khi không phát triển được thị trường cả nước và xuất khẩu (đạt 4,5 sao) thì chuẩn 3 sao của sản phẩm OCOP trước mắt cũng giúp chính những người địa phương, người canh tác có sản phẩm "sạch" để sử dụng, thay vì cứ "đầu độc lẫn nhau" khi người sản xuất không dám ăn sản phẩm mình làm rồi lại mua sản phẩm có tính "đầu độc" tương tự của người khác. Mặt khác, ai cũng biết nông nghiệp là ngành thiệt thòi nhất và nông dân là người ít hưởng lợi nhất trong thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do vậy, một chương trình gì đó cho nông nghiệp và nông dân thì rất nên được ủng hộ.

Tác giả: Trần Minh Trí

Nguồn tin: Facebook Tri Tran Minh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: