Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bồi dưỡng kiến thức tuyên truyền Chương trình OCOP

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 14:11 | 10/12 Lượt xem: 774

Sáng ngày 9/12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức tuyên truyền chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2019 cho đội ngũ cán bộ công tác tại Phòng VHTT và Truyền thanh- Truyền hình các huyện, thành phố, thị xã; các đài truyền thanh cơ sở cấp xã.


Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, bà Phạm Thị Ngọc Quyên- Phó giám đốc Sở TT&TT cho biết: Trong những năm qua, nhờ Chương trình OCOP, số lượng HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng lên, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường như: Bánh tráng Đại Lộc, Tinh dầu sả, quế Tiên Phước, tương ớt Daichi, gạo Phong Thử, nước mắm Cửa Khe...góp phần đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Thông qua lớp bồi dưỡng này, nhằm giúp các học viên nắm vững các kiến thức, nội dung, phục vụ cho công tác tuyên truyền Chương trình OCOP sâu rộng trên toàn tỉnh; qua đó nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về thực hiện Chương trình OCOP...

Tham gia lớp tập huấn, các học viên được các báo cáo viên phổ biến nhiều nội dung quan trọng về chuyên môn, nghiệp vụ trong tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cụ thể: giới thiệu tổng quan về Chương trình OCOP Quảng Nam; hướng dẫn chu trình OCOP; hồ sơ dự thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; giới thiệu Danh mục tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm; công tác đánh giá xếp hạng sản phẩm...

Cũng tại lớp bồi dưỡng, các học viên cùng báo cáo viên đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tại địa phương.

Được biết, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh thông qua với kinh phí hơn 579 tỷ đồng. Chương trình hướng đến mục tiêu: Xác định, hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương;  Phát triển mới 100 sản phẩm; Phát triển từ 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Công nhận/chứng nhận sản phẩm OCOP: Có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu có 500 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030. Phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030...

Tác giả: Thúy Hằng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: