Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bánh tráng Phú Triêm hướng đến OCOP

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 14:22 | 03/04 Lượt xem: 700

Để đưa bánh tráng Phú Triêm thành sản phẩm OCOP của tỉnh, chính quyền và người dân xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn đang nỗ lực tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm này.


Mỗi ngày, mỗi hộ dân có thể tráng từ 800 - 1.000 bánh tráng các loại. Ảnh: L.C
Mỗi ngày, một hộ dân có thể tráng 800 - 1.000 bánh tráng các loại. Ảnh: L.C

Cơ hội phát triển

Làng nghề bánh tráng Phú Triêm (xã Điện Phương) có hơn 24 hộ làm nghề tráng bánh. Theo các cụ cao niên trong thôn, nghề bánh tráng Phú Triêm xuất hiện từ đầu thế kỷ XX và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cũng được làm từ gạo nhưng bánh tráng Phú Triêm rất đặc trưng vì không dai như bánh Đại Lộc và khi nướng lên lại rất thơm.

Hiện nay, ngoài việc sản xuất các loại bánh truyền thống là loại bánh tròn to, người dân còn sản xuất thêm các loại bánh nhỏ, bánh gạo lứt và đều được làm thủ công. Các loại bánh này được người dân rất ưa chuộng. Trung bình một ngày, mỗi hộ tráng 800 - 1.000 bánh. Với lượng bánh tiêu thụ rất mạnh như hiện nay, cung không đủ cầu, trung bình mỗi hộ có thể thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày.

Khách du lịch được trải nghiệm tráng bánh tại làng nghề truyến thống bánh tráng Phú Triêm. Ảnh: L.C
Khách du lịch trải nghiệm tráng bánh tại làng nghề Phú Triêm. Ảnh: L.C

Với lợi thế nằm gần trung tâm du lịch Hội An, một số hộ dân đã mạnh dạn liên kết với các công ty du lịch lữ hành, đưa cơ sở của mình thành địa điểm tham quan, trải nghiệm thực tế. Gia đình bà Lê Thị Thu có truyền thống làm nghề bánh tráng đã 3 đời nay. Những năm gần đây, cơ sở của bà đã liên kết với các công ty lữ hành đưa khách đến trải nghiệm.

Khách đến với cơ sở này chủ yếu khách nước ngoài, khi đến đây họ được hướng dẫn tráng bánh và nướng bánh. Với mỗi lượt khách ghé thăm, bà Thu được công ty lữ hành trả 12 - 15 nghìn đồng. Vào mùa du lịch cao điểm, một ngày có thể có tới 30 khách đến tham quan, trải nghiệm. “Ngoài việc có thu nhập, gia đình rất vui khi được giới thiệu sản phẩm làng nghề của quê hương cho du khách, giúp sản phẩm bánh tráng Phú Triêm đến được với bạn bè quốc tế” - bà Thu chia sẻ.

Người dân Điện Phương nhiều phát triển bánh tráng Phú Triêm thành thương hiệu. Ảnh: L.C
Người dân Điện Phương phát triển bánh tráng Phú Triêm thành thương hiệu. Ảnh: L.C

Tiền đề cho OCOP

Để làng nghề phát triển bền vững và hướng bánh tráng Phú Triêm thành sản phẩm OCOP, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các hộ trong làng nghề liên kết nhau thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất.

Bà Lê Thị Đi - Tổ trưởng THT bánh tráng Phú Triêm cho biết, đầu năm 2017, làng nghề truyền thống bánh tráng Phú Triêm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đây, bà con càng ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát triển thương hiệu. Cuối năm 2017, THT bánh tráng Phú Triêm thành lập, đến nay có 16 thành viên địa phương tham gia.

“Chúng tôi rất chú trọng đến chất lượng của bánh với tỷ lệ pha chế bột và phơi bánh đảm bảo được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong rằng được tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bánh tráng Phú Triêm sẽ thành thương hiệu được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn” - bà Đi chia sẻ.

Hiện nay các sản phẩm của làng nghề bán ra thị trường đều được gắn nhãn và bảo quản trong bao bì theo mẫu đã đăng ký. “Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn do chính người dân tự tìm kiếm, chưa có sự liên kết để có đầu ra ổn định; hơn nữa giá thành của bao bì (sau số lượng được địa phương hỗ trợ) khá cao nên người sản xuất không lời nhiều. Vì thế, rất mong địa phương có sự hỗ trợ cần thiết để người dân có cuộc sống ổn định từ nghề truyền thống của quê hương” - bà Đi cho biết thêm.

Với bao bì, nhãn hiệu cụ thể, bánh tráng Phú Triêm ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Ảnh: L.C
Với bao bì, nhãn hiệu cụ thể, bánh tráng Phú Triêm ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Ảnh: L.C

Ông Dương Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho biết, với quy mô sản xuất nhỏ, các sản phẩm làng nghề gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm nên quyền sở hữu công nghiệp là cần thiết để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, đưa các sản phẩm đặc trưng, làng nghề trở thành hàng hóa, tham gia vào các kênh tiêu thụ có giá trị. Để bánh tráng Phú Triêm thành sản phẩm OCOP, địa phương đã hỗ trợ các hộ trong làng nghề về việc quảng bá, in bao bì sản phẩm. Thời gian đến, chính quyền sẽ hướng dẫn các hộ hoàn thiện các tiêu chí để đưa sản phẩm tham gia vào OCOP.

“Khi tham gia vào OCOP sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời là cơ sở để phát triển du lịch, phát huy các giá trị đặc trưng về văn hóa, lịch sử, phù hợp với định hướng của địa phương là phát triển Điện Phương thành xã du lịch cộng đồng trong thời gian tới” - ông Ca nói.

Tác giả: Linh Chi

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn: