Quang cảnh hội nghị.
Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP các cấp (tỉnh, huyện, xã) được xây dựng, củng cố, kiện toàn; chu trình OCOP được triển khai thực hiện thường niên; công tác ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình được thực hiện; nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, lồng ghép, bố trí để thực hiện; sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của Nhân dân, sức lan tỏa của Chương trình ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2018: 35 sản phẩm, năm 2019: 107 sản phẩm, năm 2020: 135 sản phẩm); số lượng sản phẩm được công nhận từ hạng 3 sao OCOP trở lên thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu trong cả nước; các chủ thể tham gia ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao; trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm.
Công tác củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP được thực hiện, các tổ chức kinh tế do thanh niên điều hành, hoạt động dần có hiệu quả; số việc làm được tạo ra nhiều hơn; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là 281.405 triệu đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP là: 58.777 triệu đồng; Ngân sách cộng đồng tham gia Chương trình OCOP: 217.628 triệu đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã, một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu xây dựng gian hàng sản phẩm OCOP để bán và trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của mình; Sở Công thương xây dựng hệ thống thương mại điện tử để xúc tiến đầu tư; làm thế nào để doanh thu các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận phải tăng hơn các năm trước; Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; duy trì chu trình OCOP thường niên ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Dịp này, đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiến hành trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho 3 tập thể, 5 cá nhân và 1 sản phẩm đang hoàn thành thủ tục đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã, một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn tỉnh.