HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (huyện Núi Thành) có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: C.T
Thành quả bước đầu
Đóng tại địa bàn xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), HTX Nấm công nghệ cao miền Trung là cơ sở tiên phong nuôi trồng nấm ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất tự động, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan sau khi sản phẩm “Nấm bào ngư sấy khô Cenmush” được xếp hạng 3 sao vào năm 2020.
Ông Huỳnh Văn Phong - Giám đốc HTX cho biết, hai sản phẩm “Nấm linh chi Cenmush” và “Trà linh chi Cenmush” được TP.Tam Kỳ chấm đạt OCOP 4 sao và đang chờ cấp tỉnh chấm công nhận. Những sản phẩm của HTX đã vào hệ thống siêu thị tại miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam, một số sản phẩm OCOP như gạo, bánh tráng của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa; dầu phụng, dầu mè của HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm hay tinh dầu quế, sả của HTX Nông dược xanh Tiên Phước bước đầu cũng tiêu thụ ra thị trường toàn quốc và gây dựng niềm tin nơi khách hàng.
Thống kê cho thấy, chương trình OCOP đã thu hút 60 HTX và 6 THT trên địa bàn tỉnh tham gia với 78 sản phẩm (66 sản phẩm đạt 3 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao). Tham gia chương trình, các HTX và THT dần nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm.
Thông qua đó, các HTX, THT không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực mở rộng sản xuất, tham gia các hội chợ quảng bá giới thiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Tham gia OCOP, HTX và THT thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, từng bước thay đổi diện mạo vùng quê trên cơ sở khơi dậy nội lực người dân nhằm cho ra đời sản phẩm có tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hoạt động của HTX và THT còn là đòn bẩy thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thông qua tạo việc làm tại chỗ, nâng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Cần tiếp tục đổi mới
Ông Võ Bảy cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP là chương trình mới, nên bước đầu thực hiện còn lúng túng, cán bộ quản lý, phụ trách thiếu kinh nghiệm, một số địa phương cũng chưa tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai.
Đáng lo hơn cả là nhiều sản phẩm thiếu quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chưa được áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Oganic, VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Năng lực của chủ thể OCOP hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp, xen lẫn trong hoạt động của gia đình..., nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh về tiêu thụ sản phẩm.
Một hạn chế khác được nhận diện đó là nhóm sản phẩm tươi sống, thô chỉ dừng lại khâu sơ chế vẫn còn nhiều (chiếm khoảng 20%), giá trị gia tăng thấp. Nhiều chủ thể tham gia cùng một loại sản phẩm (dầu phụng, dầu mè, nước mắm, gạo nếp…) với chất lượng, bao bì mẫu mã tương tự nhau nên đơn điệu, thiếu sáng tạo.
Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn ít, nội dung câu chuyện sản phẩm thiếu đặc sắc, chưa tư liệu hóa; nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo, phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng chưa được chú trọng…
Việc nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm OCOP của các đơn vị thuộc thành phần kinh tế tập thể cần tiếp tục được thực hiện để đạt thứ hạng cao hơn. Bởi theo thống kê, khoảng 80% sản phẩm mới đạt từ 50 đến dưới 60 điểm, tức “3 sao non”.
Ông Võ Bảy cho biết, trong thời gian tới sẽ vận động thành lập mô hình HTX OCOP tỉnh Quảng Nam; liên kết, hợp tác các chủ thể có sản phẩm OCOP; đầu tư, ứng dựng khoa học công nghệ để nâng cao số lượng, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Tư vấn, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; làm đầu mối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Ngày 12.10 vừa qua, đơn vị đã mời các HTX, THT và kể cả doanh nghiệp, hộ gia đình có sản phẩm tham gia hội nghị vận động thành lập mô hình điểm. Tại hội nghị, thông tin về tình hình chung thực hiện OCOP của chủ thể, nhất là HTX, THT cũng như tồn tại, hạn chế đã được cung cấp.
Liên minh HTX tỉnh còn phân tích lợi ích, nhu cầu cần thiết phải thành lập mô hình điểm. Bước khởi đầu, các đại biểu tỏ ra hào hứng, thống nhất và đã có 13 HTX, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia thành viên trực tiếp vận hành HTX; 16 đơn vị đăng ký tham gia góp vốn tối thiểu và 23 đơn vị đăng ký tham gia thành viên liên kết.
Tháng 11 này, Liên minh HTX tỉnh sẽ mời 13 sáng lập viên họp để tư vấn, hướng dẫn xây dựng phương án kinh doanh, điều lệ, đề án nhân sự và đến cuối năm 2021 sẽ cho ra đời HTX OCOP tỉnh Quảng Nam nếu điều kiện chín muồi.
CÔNG TÚ