Qua gần 05 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 11, năm 2022, Quảng Nam có 282 sản phẩm của 221 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 51 sản phẩm 4 sao (có 01 sản phẩm đã trình Trung ương xem xét công nhận 5 sao), 231 sản phẩm 3 sao, hiện nay còn hơn 60 sản phẩm đang trình UBND tỉnh công nhận đợt 02 năm 2022. Đặc biệt sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của nhân dân, sức lan tỏa của Chương trình ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong số 221 chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng có 79 Hợp tác xã, 33 Doanh nghiệp vừa và nhỏ và 109 Hộ kinh doanh. Các chủ thể tham gia Chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao; trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm; công tác củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP được thực hiện, các tổ chức kinh tế do thanh niên điều hành đều gắn với các hoạt động khởi nghiệp; số việc làm được tạo ra nhiều hơn; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình. Mặc dù, tình hình dịch bệnh Covid và thiên tai bão lụt trên địa bàn tỉnh đã gây ra những tổn thất vô cùng lớn nhưng Quảng Nam là một trong số các tỉnh sớm tổ chức triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình OCOP từ năm 2018 đến nay đã thể hiện một cách rõ rệt.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở ngành, địa phương với chủ thể sản xuất OCOP năm 2022 với mục đích để lãnh đạo tỉnh, các Sở ngành lắng nghe được những khó khăn, vướng mắc, những tâm tư nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của Chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Qua đó, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những điều chỉnh các quy định phù hợp hơn. Qua buổi đối thoại các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào, các đối tác kết nối tiêu thụ đầu ra sản phẩm OCOP có cơ hội gặp gỡ, kết nối ký kết hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các nhà sản xuất sản OCOP trên địa bàn tỉnh với đơn vị phân phối của các địa phương trong và ngoài tỉnh một cách bền vững, ổn định.
Đây cũng là dịp để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp hiểu, nắm bắt về cơ hội, tiềm năng của tỉnh; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng triển khai Chương trình OCOP một cách có hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Tôi cũng rất mong, các doanh nghiệp, doanh nhân bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những cách làm, giải pháp mới mang tính tạo đột phá phát triển Chương trình OCOP.Hội nghị sẽ dành thời gian để trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để tìm hướng tháo gỡ. Để hội nghị đạt hiệu quả, tôi đề nghị các đại biểu chủ động đăng ký phát biểu ý kiến, đi thẳng vào vấn đề trên tinh thần thực sự cởi mở, thẳng thắn, nói thẳng, nói thật; tập trung vào các nhóm vấn đề chung, liên quan quá trình thẹc hiện Chương trình OCOP thời gian qua.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh sẽ có trao đổi, giải đáp, làm rõ. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu trả lời hoặc báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết kiến nghị của chủ thể OCOP, các đối tác.