Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, cán bộ, người dân tỉnh Quảng Nam còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ. Song, nhờ sự tiếp cận sớm, xây dựng cơ chế chính sách kịp thời, đến nay tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện tốt chương trình và là tỉnh nằm trong tốp đầu về triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Với tổng sản phẩm OCOP được công nhận là 395 sản phẩm của 314 chủ thể.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam đã có 395 sản phẩm được công nhận OCOP. Ảnh: T.H.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn; thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP… giúp nâng cao chất lượng hàng hóa của Việt Nam, góp phần to lớn vào Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"".
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, thâm nhập các thị trường lớn trong nước và thị trường nước ngoài, kể cả đối với các thị trường khó tính; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đưa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường quốc tế.
Đồng thời xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng, đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Ảnh: T.H.
Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay: "Việc liên kết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác, tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP nắm được tình hình cung – cầu của thị trường, thị hiếu khách hàng, tiêu chuẩn sản phẩm để có chiến lược cải tiến, đầu tư sản xuất phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và phát triển. Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến".
Quảng Nam đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu. Ảnh: T.H.
Đến nay, các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam đã lan tỏa và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách tích cực.
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ những nội dung giúp chủ thể nâng cao năng lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp, phát triển hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.
Tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện văn hóa, hoạt động du lịch do Trung ương, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối tác OCOP để kết nối cung – cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa.