Chi tiết tin

A+ | A | A-

KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH OCOP TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2024

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 13:56 | 23/12 Lượt xem: 4

Có thể khẳng định năm 2024 là năm thực hiện khá thành công chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.

            Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) tỉnh Quảng Nam năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Đến cuối năm, tỉnh đã có 460 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 61 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 399 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc đổi mới và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam chủ trì họp đánh giá

sản phẩm cấp tỉnh năm 2024

         Qua việc tham gia Chương trình, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Có thể nói, Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn; đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất như: VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP…

Đoàn giao dịch sản phẩm OCOP làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản

Tỉnh Quảng Nam cũng đã tập trung phát triển các điểm bán hàng OCOP, đảm bảo mỗi huyện, thị xã có ít nhất một điểm bán, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử. Đặc biệt, việc tổ chức các hội chợ chuyên đề và tham gia xúc tiến thương mại quốc tế đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước Năm 2024 là năm đầu tiên Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu tổ chức 02 đợt trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP trong nước tại Cầu Rồng Đà Nẵng và tại thành phố Tam Kỳ; tổ chức được 02 đợt giới thiệu sản phẩm OCOP ra nước ngoài là Nhật Bản và Trung Quốc. Ngành Công Thương đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài như: Hàn Quốc, Thái Lan…

 

Đoàn giao dịch sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Tokyo Nhật Bản

Chương trình không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế mà còn bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và ổn định nguồn nguyên liệu địa phương. Thành công này tạo nền tảng cho định hướng OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2025, tập trung vào phát triển bền vững và liên kết chuỗi giá trị.

Có thể khẳng định năm 2024 là năm thực hiện khá thành công chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy. Từ một Chương trình cán bộ và nhân dân không ai biết OCOP là gì, đến nay sản phẩm OCOP Quảng Nam được người tiêu dùng đón nhận tích cực, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh dùng làm quà tặng, nhà nhà dùng sản phẩm OCOP vì tin vào chất lượng sản phẩm được kiểm duyệt chặt chẽ. Năm 2024 Quảng Nam đã xây dựng được 05 hồ sơ định hướng 05 sao trình Trung ương xem xét đánh giá công nhận 05 sao cấp quốc gia, đây là những cố gắng và kết quả thực hiện Chương trình OCOP nổi bật trong năm 2024.

 

Đoàn giao dịch sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam đến thăm và làm việc với tổ chức xúc tiến thương mại JETRO Nhật Bản

           Định hướng chương trình OCOP  tại tỉnh Quảng Nam năm 2025 tập trung vào các mục tiêu và phương pháp sau:

          Thứ nhất: Mục tiêu chất lượng sản phẩm: Tỉnh phấn đấu đạt 70% sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của địa phương như măng cụt, bòn bon, và đẳng sâm, cũng như các sản phẩm du lịch cộng đồng.

         Thứ hai: Phát triển chuỗi giá trị và vùng nguyên liệu: Chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ sản xuất theo hướng bền vững, hữu cơ và kinh tế tuần hoàn. Một số dự án thí điểm đang được triển khai như sản phẩm từ trái bòn bon và măng cụt tại huyện Tiên Phước…

        Thứ ba:  Đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật: Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, và hộ sản xuất (chủ thể OCOP) trong việc xây dựng hồ sơ sản phẩm, tư vấn phát triển, và liên kết tiêu thụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ hướng đến nâng cao năng lực quản lý và chất lượng của hệ thống OCOP, nâng cao giá trị cho các sản phẩm đã được công.

       Thứ tư:  Liên kết du lịch và văn hóa: Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng và bảo tồn làng nghề truyền thống, giúp thúc đẩy quảng bá sản phẩm OCOP qua các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông thôn.

       Thứ năm:  Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình OCOP gia đoạn 2021-2025; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu xây dựng Đề án Chương trình cho giai đoạn mới 2026-2030 để Chương trình được triển khai liên tục, tránh gián đoạn.

Với định hướng này, Quảng Nam hy vọng Chương trình OCOP tăng cường giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.

Tác giả: Võ Hưng

Nguồn tin: chi cục PTNT Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: