 |
Việc xây dựng sản phẩm OCOP đã có thành công bước đầu. Ảnh: XUÂN HIỀN |
TỰ HÀO SẢN PHẨM ĐỊA PHƯƠNG
Bằng những cách thức rất riêng, mỗi chủ thể OCOP biết cách để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm của mình từ vùng nguyên liệu sẵn có. Từng chỉ dấu của mỗi sản phẩm đều là niềm tự hào về bản sắc xứ Quảng...
Từ nguồn nông sản xứ Quảng
Chưng cất từ chính những trái lòn bon - đặc sản của vùng trung du xứ Tiên, rượu lòn bon Tiên Phước của HTX Nhật Linh nhận được hiệu ứng khá tốt của người tiêu dùng. Khởi đi từ ý tưởng của một người chuyên làm thương hiệu cho các đặc sản quê nhà như trầm hương hay tiêu Tiên Phước, ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc HTX Nhật Linh nói, sau nhiều lần làm thương hiệu chỉ riêng cho trái lòn bon, người Tiên Phước mới nghĩ đến chuyện tại sao lại không thể chắt lọc tinh chất của loại cây trái này để làm một thức hàng khác.
“Tôi có kỹ sư riêng chuyên về ngành rượu. Sau tôi thấy trái lòn bon có giá trị kinh tế cao, lại là trái cây sạch mà không làm được rượu thì quá vô lý. Do đó, chúng tôi mày mò để làm ra được rượu lòn bon” - ông Nguyễn Văn Nhật nói.
Năm 2018, rượu lòn bon của HTX Nhật Linh được xếp hạng 4 sao của chương trình OCOP tỉnh. Để đi từ ý tưởng cho đến thành phẩm, bước ra thị trường có thương hiệu hẳn hoi là cả một quá trình của những nỗ lực không ngừng nghỉ.
“Từ năm 2013, HTX Nhật Linh đã nghiên cứu chế biến rượu lòn bon Tiên Phước. Song song, chúng tôi có rượu nếp, rượu chuối hột đã được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên khi chọn tham dự chương trình OCOP năm 2018, chúng tôi quyết định mang rượu lòn bon tham gia. Bởi nguyên liệu của nó là đặc sản của đất và người xứ Tiên. Một sản phẩm để đi đường dài, vươn ra thị trường lớn theo tôi cần phải có dấu ấn của địa phương, có bản sắc của vùng đất” - ông Nguyễn Văn Nhật nói thêm.
Đây cũng chính là tinh thần của chương trình OCOP khi không chỉ muốn nông sản địa phương có đầu ra ổn định. Đó còn là một quy trình phát triển mang đến cơ hội cho các vùng nông thôn từ chính sản vật địa phương.
“Đó có thể là sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc cách thức làm ra sản phẩm theo bí quyết gia truyền. Một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị như OCOP là rất cần thiết ở mỗi địa phương” - PGS-TS. Trần Văn Ơn, tham vấn cho chương trình OCOP Quảng Nam, chia sẻ.
Xuất phát từ chính vùng đất hình thành nên sản phẩm, từ nguyên liệu đến người sản xuất, mỗi sản phẩm mang một dấu ấn địa phương và sẽ “kể” cho người mua chính câu chuyện của địa phương đó.
Năm 2018, danh mục sản phẩm OCOP tại Quảng Nam có 35 sản phẩm mà phần lớn thiên về nông nghiệp, với tính liên kết khá chặt chẽ từ vùng nguyên liệu - nông sản do nông dân làm ra cùng những thành phẩm từ phía người dùng công nghệ sản xuất. Bước đi đầu tiên này có tính tạo đà để các chủ thể OCOP sau này tự tin phát triển ý tưởng của mình từ chính vùng nguyên liệu địa phương...
Phát triển từ thế mạnh
Nhìn lại quãng thời gian gần một năm triển khai OCOP, dẫu là một chương trình hoàn toàn mới mẻ nhưng với ưu thế đa dạng về sản phẩm sẵn có, quy trình OCOP tại Quảng Nam năm 2018 được đánh giá khá thành công.
“Cái quan trọng nhất của OCOP năm đầu tiên là chọn những sản phẩm vốn đã có ở địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã tổ chức chấm chọn 2 cấp với 35 sản phẩm tham gia thí điểm. Với kết quả bước đầu chấm chọn 15 sản phẩm, Quảng Nam là 1 trong 3 tỉnh thành tổ chức được việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Các sản phẩm tham gia phương án thí điểm đã được chuẩn hóa, chưa kể một số địa phương đã khá chủ động, tích cực, quyết liệt triển khai chương trình” - ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.
Các địa phương có sản phẩm tham gia OCOP năm 2018 nhiều và quan tâm mạnh mẽ đến chương trình phải kế đến Tiên Phước, Hội An, Tây Giang, Hiệp Đức, Tam Kỳ... Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó phòng Kinh tế Hội An cho biết, để có sản phẩm riêng có của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách là hết sức cần thiết.
“Chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, con người, thị trường, gắn với phát triển du lịch của địa phương. Năm 2018, Hội An chọn 3 chủ thể tham gia: Công ty TNHH Đại Chí Food, Công Ty TNHH Hoa Nam và cơ sở bánh đậu xanh Bông. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều trong việc phối hợp thực hiện, đảm bảo đúng quy trình và hồ sơ theo yêu cầu. Cán bộ phụ trách và tổ giúp việc chương trình OCOP đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể các khâu về nâng cao, hoàn thiện sản phẩm như: thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm, máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng câu chuyện sản phẩm…, và quan trọng hơn hết là trực tiếp giúp các chủ thể hoàn thiện đầy đủ hồ sơ sản phẩm để tham gia công tác đánh giá xếp hạng sản phẩm” - bà Vui cho biết thêm.
Phần lớn chủ thể OCOP có sản phẩm tham gia xếp hạng năm 2018 đều cho rằng đây là một chương trình mà từ người nông dân đến người sản xuất phải xây dựng được chuỗi giá trị để người tiêu dùng tin cậy.
“Kích thích người sử dụng sản phẩm sẽ góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Từ thị trường tiêu thụ mạnh chúng tôi sẽ mua thêm nhiều sản phẩm của nông dân với giá cao để người dân ổn định sản xuất theo hướng hàng hóa chứ không còn tiểu nông nữa” - ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc HTX Nhật Linh nói.
Khi đưa công nghiệp chế biến vào nông nghiệp sẽ thay đổi được tư duy sản xuất của nhà nông, hướng đến nền sản xuất hàng hóa một cách chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức) cho biết, những người nông dân làm nấm bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất lẫn kinh doanh khi họ được lựa chọn sẽ phát triển dòng sản phẩm của mình thành đặc sản, thành sản phẩm của OCOP.
“Nằm trong danh mục chủ thể OCOP với việc lựa chọn dòng nấm bào ngư để phát triển thành sản phẩm thế mạnh và chuyên biệt, hiện tại các khâu về bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng của HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây đã xem như hoàn tất. HTX đã dành nguồn kinh phí hơn 100 triệu đồng để làm lại tất cả khâu thiết kế bao bì, logo nhãn hiệu. HTX cũng đã hoàn tất thủ tục về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là những phần việc hầu như trước đây HTX không quan tâm” - chị Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ.
Hiểu được như thế nào là giá trị của một thương hiệu cũng như hình thành con đường phát triển chuyên biệt từ chính vùng nguyên liệu, thế mạnh của địa phương, OCOP Quảng Nam đang từng ngày hoàn thiện để giúp đưa sản phẩm vươn tới các thị trường rộng lớn.
TRUYỀN THÔNG VÀ HỖ TRỢ
“Làm thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận với chu trình OCOP mà tham gia, từ việc đơn giản, phổ thông các thủ tục cho đến việc quảng bá, tuyên truyền, để họ thấy được quyền lợi của mình khi tham gia chương trình này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ.
 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước (Tiên Hà, Tiên Phước). |
Tăng cường tuyên truyền quảng bá
Tại Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp tục yêu cầu Ban chỉ đạo các chương trình Mục tiêu quốc gia đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các phần việc của chu trình OCOP năm 2019.
Tin tưởng vào thành công của chu trình OCOP giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đã làm được, tạo được một nền tảng, một đà vững chắc cho chương trình OCOP của những năm tiếp theo.
“Phải đẩy mạnh công tác của chính quyền. Tất cả mọi người ở từng vị trí phải hiểu về chương trình OCOP, tính nhân văn, tính kinh tế, tính chính trị, tính xã hội của chương trình này như thế nào. Phải để người dân thấy được tất cả các bên đều có lợi trong chương trình OCOP này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
“Phải hỗ trợ tối đa cho người dân”
“Năm 2019, phải tìm cách tinh gọn nhất, đơn giản đến mức tối thiểu trình tự thủ tục, hồ sơ minh chứng, xây dựng dự án ý tưởng sản phẩm... Hiện nay trong số chủ thể sản phẩm đăng ký tham gia có 48% là HTX, 36 % là các hộ gia đình, đều ở quy mô nhỏ. Đây là những người làm sản phẩm rất giỏi, tuy nhiên khi bước vào làm thủ tục thì lại gặp khó. Chính vì vậy, phải tính toán đơn giản nhất, phổ thông nhất các thủ tục này để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cũng cần phải xem xét, vì Quảng Nam từ 2018 – 2020 là giai đoạn thí điểm, có quyền chỉnh sửa nếu không phù hợp. Làm sao để từ vùng núi cao nhất đến vùng ven biển, vùng sâu vùng xa tất cả sản phẩm đều có thể tham gia được và hưởng được cơ chế hỗ trợ từ chương trình. Phải hỗ trợ tối đa cho người dân” - Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh nói.
|
Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho thời gian tới là tích cực tuyên truyền quảng bá mạnh hơn đối với những sản phẩm OCOP đã được xếp hạng năm 2018, kể cả đối với những sản phẩm đã đăng ký nhưng chưa đạt đều cần phải hỗ trợ truyền thông để tạo động lực cho các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
“Đành rằng chúng ta có rất nhiều sản phẩm nhưng không phải tất cả đều tham gia OCOP được. Những sản phẩm nào có khả năng tham gia OCOP thì tích cực tham gia và kiên trì theo từ đầu đến cuối chương trình. Cần phải xác định chính xác sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ để đăng ký. Đó là yêu cầu của năm 2019. Chúng ta không giới hạn, ngoài danh mục 95 sản phẩm thì vẫn tiếp tục có những sản phẩm mới, nếu thấy đáp ứng đủ điều kiện thì đăng ký” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định.
Tiếp cận, mở rộng thị trường
Việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường được xác định rất quan trọng cho năm 2019 này. “Ngoài câu chuyện các chủ thể tự bán hàng thì cơ quan chức năng cần hỗ trợ. Điều cần thiết hiện nay là khẩn trương xây dựng Trung tâm OCOP tại Hội An. Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng và Quảng Nam có ký kết chương trình hợp tác tiêu thụ nông sản với điều kiện là đảm bảo chất lượng đầu vào của sản phẩm. Sở NN&PTNT cần làm việc với cơ quan thường trực của TP. Đà Nẵng để chuẩn bị một hội nghị đánh giá giữa hai địa phương. Tôi sẽ đề nghị TP.Đà Nẵng cùng hỗ trợ Quảng Nam để xây dựng một Trung tâm OCOP của Quảng Nam tại Đà Nẵng” - ông Thanh chia sẻ.
Mở rộng thị trường và vươn đến những thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như hình thành hai Trung tâm OCOP của Quảng Nam ở hai thành phố này, định kỳ có các phiên chợ nông sản tại Đà Nẵng, nghiên cứu 6 tháng tổ chức một phiên chợ nông sản Quảng Nam ở những trung tâm lớn như Tam Kỳ hay Hội An để hỗ trợ sản phẩm của OCOP... là câu chuyện cần phải tính toán trong thời gian đến của các cơ quan chuyên môn.
Chưa kể, kết nối doanh nghiệp với chủ thể sản xuất OCOP cũng như xác định phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới giúp sản phẩm OCOP phát triển mạnh. Theo đó, các ngành cần hướng dẫn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh công bố sản phẩm. Vận động cơ sở hộ gia đình liên kết thành quy mô sản xuất lớn hơn để tăng tính cộng đồng, tính cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, tăng hàm lượng văn hóa của sản phẩm bằng việc hình thành và xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp cận và sử dụng các nguồn lực từ khoa học công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại là điều được yêu cầu tính toán trong giai đoạn tiếp theo...
NHẬN DIỆN THÁCH THỨC
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, quy trình thực hiện OCOP vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn...
 |
Nhiều vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch, sản phẩm chưa hoàn thiện... là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện OCOP. |
Bất cập
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, năm qua UBND tỉnh phân bổ hơn 19,6 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT và các địa phương thực hiện chương trình OCOP.
Theo đó, có 35 sản phẩm thuộc 7 nhóm ngành hàng của 33 chủ thể trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố tham gia phương án thí điểm. Trong danh mục này, UBND tỉnh đã cấp chứng nhận cho 15 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao để tiếp tục hỗ trợ việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.
Ông Lợi cho rằng, bên cạnh những thành quả ban đầu, việc triển khai chương trình OCOP cũng bộc lộ không ít tồn tại.
“Việc lựa chọn một số sản phẩm tham gia phương án thí điểm chưa được sàng lọc kỹ, sản phẩm chưa đủ điều kiện để chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP, phải điều chỉnh, bổ sung. Một số chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia phương án thí điểm và được chấp nhận nhưng lại chưa tích cực phát triển hoàn thiện sản phẩm nên không lập hồ sơ tham gia, đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện” - ông Lợi nói.
Còn ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, do OCOP là một chương trình mới nên việc thực hiện bước đầu còn khá lúng túng, cán bộ quản lý và thực hiện ở các cấp còn thiếu kinh nghiệm. Công tác giải ngân kinh phí đạt thấp vì cơ chế hỗ trợ đối với chương trình OCOP ban hành chậm.
Bên cạnh đó, nhiều vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện, cụ thể là chưa có nhãn mác, chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn thiếu.
Không chỉ vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Trình độ quản trị sản xuất - kinh doanh của không ít chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhiều hạn chế, thiếu tư duy thị trường, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất chưa nắm được các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và về nhãn mác, bao bì…
Thiếu đồng bộ
Đáng lưu ý, các chủ thể sản xuất đối với nhóm thực phẩm hầu hết đều không nắm được sản phẩm của họ cần phân tích bao nhiêu chỉ tiêu an toàn thực phẩm mới đảm bảo quy định, giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu này.
Ngoài ra, thủ tục về công bố sản phẩm, nhất là công bố sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải gửi hồ sơ về Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) còn quá khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí nên có 2 sản phẩm là rượu Ba Kích và rượu Đảng sâm của huyện Tây Giang không làm được thủ tục công bố sản phẩm. Vì thế, đã không đánh giá và phân hạng được, mặc dù 2 sản phẩm này khá hoàn thiện và bắt mắt. Hiện nay, bộ tiêu chí phân hạng sản phẩm của Trung ương chưa ban hành (UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí tạm thời) nên công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP vẫn còn một số hạn chế.
“Cán bộ chuyên trách OCOP cấp huyện, xã chưa tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nội dung chương trình và các bước thực hiện chu trình OCOP nên chưa giúp được nhiều cho các chủ thể. Do vậy, có một số sản phẩm huyện đề nghị đưa vào phương án thí điểm nhưng đến khi đánh giá, phân hạng thì sản phẩm không đủ điều kiện như rau lủi ở Phước Sơn, rau câu chỉ vàng ở Núi Thành, bún khô từ gạo hữu cơ của Thăng Bình... OCOP là chương trình phát triển kinh tế đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành liên quan nhưng trong thời gian qua việc thực hiện khâu này ở cả cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế. Cần nói thêm, do không tổ chức được hội chợ xuân như hàng năm nên các sản phẩm được công nhận hạng 3 sao trở lên chưa có cơ hội được tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại như chỉ đạo của UBND tỉnh tại phương án phát triển thí điểm sản phẩm OCOP năm 2018” - ông Lê Muộn nói.
Ở góc độ chủ thể OCOP, ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho rằng, đối với sản phẩm dầu phụng Đất Quảng của mình, dù được công nhận 3 sao cấp tỉnh nhưng lại chưa thấy có động thái hỗ trợ thị trường. Ông Nguyễn Đức Thành nhìn nhận, mặc dù chất lượng dầu phụng Đất Quảng rất an toàn, song đơn vị gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh vì các tỉnh thành khác không quen sử dụng. Cạnh đó, việc cạnh tranh với các loại dầu khác rất khó vì các loại dầu khác pha chế, bán giá rẻ trong khi giá dầu phụng Đất Quảng lại cao.
“Hiện nay, vốn đầu tư cho việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến rất lớn, trong khi vốn tự có của HTX còn hạn chế, chưa vay được ngân hàng thương mại. Vùng nguyên liệu phục vụ việc chế biến dầu phụng của HTX hiện giờ rất nhỏ lẻ, phân tán và thời gian tới khó mở rộng vì đất sản xuất chia theo hộ, công tác vận động tích tụ không hề dễ dàng. Sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, các ngành đối với HTX cũng còn hạn chế, nhất là việc quảng bá, tư vấn thị trường” - ông Thành chia sẻ