Buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp” là nơi để các Hợp tác xã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cùng nhau đề xuất những giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy HTXNN phát triển trong thời gian đến.
Trong thời gian qua, HTXNN đã có những mặt phát triển tiến bộ: Quy mô và hình thức hoạt động đa dạng hơn; các HTX đã tổ chức thêm nhiều loại hình dịch vụ, ngành nghề mới nên hiệu quả hoạt động dần dần được cải thiện. Bên cạnh đó, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều trong việc củng cố và phát triển HTXNN, thể hiện thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về HTXNN và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTXNN như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX; vay vốn tín dụng; hỗ trợ thuế TNDN; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng HTXNN; các chính sách về hỗ trợ tích tụ đất đai; hỗ trợ tổ chức dịch vụ công ích thủy lợi, thủy nông; hỗ trợ liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình OCOP.... Do vậy, tính đến cuối năm 2018, Quảng Nam có 250 HTXNN được củng cố và thành lập mới; xuất hiện nhiều mô hình thanh niên trẻ, có trình độ khởi nghệp từ HTXNN.
Tại Buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất đề nghị thay đổi quy định việc thu hút người trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX và được bố trí công việc phù hợp là được hỗ trợ, không nhất thiết phải đảm nhận các chức danh lãnh đạo từ Phó giám đốc HTXNN trở lên mới được hỗ trợ. Bởi vì, thực tế hiện nay các cán bộ trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học ra trường chưa có kinh nghiệm công tác, năng lực lãnh đạo còn hạn chế chưa phù hợp để giữ chức vụ quan trọng Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại, vốn ưu đãi từ ngân sách nhà nước để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, tại diễn đàn các đại biểu đã mạnh dạn đề xuất nâng mức hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; đề xuất các ngành cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay cho thông thoáng hơn. Đồng thời, có cơ chế phù hợp để thực hiện tích tụ ruộng đất hiệu quả hơn, tạo tiền đề tốt cho việc liên doanh, liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân...
Đại diện ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ thẳng thắn những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của các HTXNN, mặc dù nguồn vốn của các ngân hàng thương mại dành cho phát triển nông nghiệp là rất lớn, nhưng cho đến hiện tại dư nợ cho các đối tượng là HTXNN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 3 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PCT UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, đánh giá công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế và phân tán. Trong thời gian đến, trên cơ sở đánh giá, tổng kết hiệu quả hoạt động của các HTX hiện nay; rà soát những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, những rào cản trong quá trình phát triển HTX từ các ngành chuyên môn. Địa phương Quảng Nam sẽ ban hành cơ chế mới xác thực hơn để tạo động lực thúc đẩy phát triển Kinh tế hợp tác nhất là Kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian.