
Đồng chí Ngô Tấn-PGĐ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam tiếp và làm việc với đoàn.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” và Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm của Thái Lan. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm(OCOP) tại Quảng Nam được triển khai thực hiện từ năm 2018 nhằm mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Hiện thực hoá mục tiêu trên, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động kiện toàn bộ máy triển khai thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, Chương trình đã đánh giá 35 sản phẩm của 34 Chủ thể và xếp hạng, 25 sản phẩm được cấp chứng nhận 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam đảm bảo chất lượng và có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng- Trưởng phòng Phát triển nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP Quảng Nam.
Chia sẻ những kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP của Quảng Nam tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Hùng- Trưởng phòng Phát triển nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn giới thiệu với đoàn công tác những điểm đáng chú ý về việc triển khai thực hiện thí điểm Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Nam năm 2018: Công tác chỉ đạo điều hành, Kết quả kiện toàn Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, các thông tin tuyên truyền tập huấn, kinh nghiệm từ việc nghiên cứu xây dựng các thủ tục pháp lý, những khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, qua 1 năm triển khai thí điểm Chương trình OCOP, Quảng Nam đã thành lập được bộ máy tổ chức Chương trình OCOP từ tỉnh đến huyện, xã. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình; định mức, nội dung thực hiện chương trình; ban hành được bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá, xếp hạng sản phẩm (Quảng nam là một trong 03 tỉnh của cả nước tổ chức được việc đánh giá xếp hạng sản phẩm trong năm 2018)...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Chương trình OCOP là một chương trình hoàn toàn mới, do vậy bước đầu triển khai còn khá lúng túng; cán bộ quản lý thực hiện chương trình ở các cấp còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện, việc sản xuất sản phẩm còn nhỏ lẻ, nhận thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân chưa đồng đều, một số địa phương chưa thực sứ chú trọng tập trung chỉ đạo triển khai chương trình...

Đồng chí Vũ Văn Đông PGĐ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chánh VPĐP nông thôn mới Đắc Lăk tại buổi làm việc
Trên tinh thần trao đổi, chia sẻ thiện chí, cởi mở, hai bên đã cùng thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề liên quan như trình tự triển khai chương trình; hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế điều hành; chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP; cách thức huy động nguồn lực, kinh nghiệm lựa chọn tư vấn…
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vũ Văn Đông PGĐ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chánh VPĐP nông thôn mới Đắc Lăk đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được. Trong quá trình triển khai, các đồng chí mong sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ phía lãnh đạo, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam để chương trình OCOP tại Đắc Lăk đạt được thành công như mục tiêu đề ra. Trong cùng ngày đoàn đã đến tham quan thực tế tại: cơ sở sản xuất đèn lồng Hội An (Đèn lồng Dé Lantana) và điểm bán hàng OCOP tại thành phố Hội An.
Đoàn công tác tỉnh Đắc Lắc đi thực tế tại Hội An
Đoàn công tác tỉnh Đắc Lắc đi thực tế tại Hội An