Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát triển sản phẩm mỹ nghệ từ tre

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 14:10 | 12/07 Lượt xem: 507

Phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân ở phường Điện An (thị xã Điện Bàn) sản xuất một số mặt hàng mỹ nghệ bằng tre, góp phần giải quyết bài toán việc làm, nâng cao thu nhập và hướng đến sản phẩm OCOP.

Theo nhiều người dân địa phương, thời điểm trước năm 1978, nhiều hộ dân ở phường Điện An đã sản xuất các vật dụng trong gia đình bằng tre như bàn ghế, giường, tủ, thúng mủng, rổ rá, nong, nia...; mặc dù là nghề phụ nhưng thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và thôn xóm tham gia. Khi ngành du lịch phát triển, du khách có nhu cầu mua sắm, người dân bắt đầu sản xuất các mặt hàng tre mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại với các kiểu, loại bàn ghế bằng tre, giỏ xách, lẵng hoa, giá treo đèn trang trí và một số mặt hàng khác.

Toàn phường Điện An hiện có khoảng 40 lao động thường xuyên tham gia sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ bằng tre với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nếu trước đây người dân sản xuất chủ yếu bằng thủ công thì nay một số cơ sở được hỗ trợ đầu tư máy móc. Bình quân mỗi tháng, người dân sản xuất được khoảng 600 sản phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Trị, TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, khó khăn lớn nhất hiện nay của nghề nằm ở khâu nguyên liệu, thiếu nguyên liệu tại chỗ nên việc thu mua tre từ các tỉnh khác làm tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tham gia sản xuất đang thiếu hụt nghiêm trọng, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, sản phẩm mang tính cạnh tranh không cao; công tác xúc tiến thương mại và định hướng phát triển sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ...

Ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, để giúp người dân ở phường Điện An duy trì và phát triển nghề, hướng đến sản phẩm OCOP, trong thời gian tới chính quyền thị xã Điện Bàn sẽ phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên mở các khóa đào tạo về thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đồng thời tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng và đẩy mạnh việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Chúng tôi xác định rằng, muốn phát triển hàng mỹ nghệ bằng tre của phường Điện An thành sản phẩm OCOP, phải xây dựng cụ thể lộ trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình sản xuất, đảm bảo đội ngũ lao động phải có kiến thức về khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt, thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và nâng cao thương hiệu sản phẩm” - ông Chơi chia sẻ.

Tác giả: Hoài Nhi

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: