Tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô cho các nhóm LEGs.
Sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sảm phẩm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất hàng hóa, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia về thực hiện các điều khoản của hợp đồng khi các bên đã ký kết. Nhà doanh nghiệp và nhà nông là hai tác nhân chính trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào cho nhà nông, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, nhà nông thì sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của
Doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm nâng cao thu nhập.
Trong thời gian qua huyện Phước Sơn đã triển khai một số dự án liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả như:
- Dự án trồng Chanh không hạt liên kết theo chuỗi giá trị: diện tích triển khai 34ha. Sản phẩm Chanh không hạt huyện Phước Sơn tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt 03 sao vào năm 2019, đến nay đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, đã đưa sản phẩm Chanh không hạt vào siêu thị Vinmart vào tháng 5/2020.
- Dự án trồng Rau lủi liên kết theo chuỗi giá trị: diện tích triển khai 7 ha. Năm 2019, sản phẩm Rau lủi huyện Phước Sơn tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt 03 sao, đến nay sản lượng bán ra thị trường trung bình 1.000kg/tháng; thị trường tiêu thụ ổn định.
- Dự án trồng cây Bưởi da xanh liên kết theo chuỗi giá trị: diện tích triển khai 21 ha, đã triển khai dự án từ năm 2018, cây trồng hiện tại sinh trưởng và phát triển phù hợp tại địa phương.
- Dự án nuôi heo đen liên kết theo chuỗi giá trị: triển khai tại 02 xã Phước Thành, Phước Lộc: 170 con heo/02 dự án, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, heo sinh trưởng phát triển tốt, đầu ra ổn định, hiện nay các hộ đang tái đầu tư dự án nhờ nguồn thu nhập từ bán sản phẩm sau thu hoạch.
Các dự án trên hỗ trợ cho hơn 100 hộ dân trong địa bàn huyện, các hộ dân tham gia dự án được nâng cao năng lực sản xuất, quy trình sản xuất trong liên kết chuỗi giá trị, có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và các chủ trì dự án.
Để các dự án liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả, thành công, điều cần thiết phải làm là:
1. Chọn hộ tham gia dự án đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của dự án, như đối với dự án trồng trọt thì phải có đất sản xuất, lao động, nguồn lực đối ứng các chi phí nhất định; đối với dự án chăn nuôi phải có kinh nghiệm trong chăn nuôi, chuồng trại đảm bảo theo quy định, …
2. Chọn đơn vị chủ trì dự án có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, am hiểu về nội dung đầu tư để phối hợp với các ban ngành, địa phương để triển khai tất cả các công việc của dự án theo quy trình tại sổ tay của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017.
3. Huy động sự tham gia vào cuộc của các ban ngành, hội đoàn thể tại địa phương trong các bước triển khai dự án liên kết chuỗi giá trị (tham gia họp, tuyên truyền nội dung dự án, chọn hộ tham gia, kiểm tra cơ sở, …).
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là sự cần thiết trong tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất khoa học, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,…trong phát triển sản xuất.