Nam Giang được Dự án Trường Sơn Xanh do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID lựa chọn để triển khai thực hiện 02 tiểu dự án về chuỗi giá trị mây tre đan, bao gồm Dự án Xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu mây bền vững ở huyện Nam Giang, gắn với phát triển chuỗi giá trị mây bền vững ở tỉnh Quảng Nam tài trợ cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lục Đông và Dự án Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan tài trợ cho Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Vietcraft. Mục đích chính của 02 tiểu dự án này nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người dân, các cộng đồng DTTS sống gần rừng trên địa bàn huyện, từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực rừng quan trọng như Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Đồng bào Cơ Tu có thêm sinh kế từ nghề mây tre đan.
Tuy cùng tiếp cận theo chuỗi giá trị cây mây nhưng do định hướng sản phẩm khác nhau nên các tiểu dự án đã đưa ra 2 phương thức triển khai các hoạt động, giải pháp tổng thể khác nhau nhằm củng cố, nâng cao năng lực, hỗ trợ điều kiện sản xuất cho các thành phần trong chuỗi với vai trò chủ đạo của người dân và doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể:
- Đối với dự án mây của công ty Lục Đông: định hướng sản phẩm là mây sơ chế (luộc, chà vỏ, phân loại, đánh bóng...) thành sợi, bó mây để xuất bán ra thị trường nên công ty rất cần vùng mây nguyên liệu lớn và bền vững để cung ứng, vận hành nhà máy quy mô hơn 3.000 tấn mây tươi/năm. Do đó, tiểu dự án này tập trung phát triển vùng nguyên liệu mây gồm hỗ trợ giống, kinh phí, kỹ thuật (trồng, chăm sóc, khai thác bền vững, bảo quản, chế biến) để người dân trồng mây dưới tán rừng và khai thác bền vững mây tự nhiên sau đó cung ứng cho công ty Lục Đông theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá trị cao hơn 20% so với trước đây (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg do giảm khâu trung gian, bán trực tiếp cho công ty không qua thương lái). Kết quả, sau 19 tháng thực hiện, Dự án Trường Sơn Xanh và công ty Lục Đông đã hỗ trợ hơn 800 hộ dân trên địa bàn huyện Nam Giang trồng mới 110 ha mây nước dưới tán rừng, xây dựng kế hoạch khai thác bền vững mây tự nhiên trên diện tích hơn 3.000ha để xin phê duyệt, cấp phép cho người dân khai thác; thu mua hơn 1.000 tấn mây tươi (tương ứng 5 tỷ đồng) để tạo thu nhập trước mắt cho người dân (ước tính đạt hơn 400.000 đồng/1 ngày công) theo 21 hợp đồng bao tiêu.
- Đối với dự án mây của VietCraft: định hướng sản phẩm là đồ thủ công mỹ nghệ, nội thất được chế tác từ cây mây, tre nên Dự án Trường Sơn Xanh và Vietcraft tuy vẫn có hỗ trợ trồng mây dưới tán nhưng với quy mô nhỏ hơn, thay vào đó tập trung vào nâng cao năng lực, đào tạo, cải tiến nghề đan lác, thủ công mỹ nghệ truyền thống (của người Cơ Tu) để người dân trực tiếp sản xuất, tạo ra các sản phẩm thủ công như gùi, giỏ, ghế... theo đơn đặt hàng của VietCraft và mang lại thu nhập. Đến nay, tiểu dự án này đã hỗ trợ người dân trồng mới 45ha mây trên địa bàn huyện, hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của 1 nhóm đan lác tại xã Cà Dy (hoạt động đan lác của Dự án này chủ yếu tập trung ở các huyện Tây Giang, Đông Giang).
Từ các kết quả trên, có thể thấy việc triển khai chuỗi giá trị mây tre đan thông qua các tiểu dự án của Dự án Trường Sơn Xanh đã bước đầu tạo ra thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Nam Giang. Thông qua việc hỗ trợ điều tra trữ lượng, lập kế hoạch khai thác mây bền vững trong rừng tự nhiên dưới sự cấp phép của chủ rừng, hỗ trợ trồng mây, người dân đã có thể khai thác mây thường xuyên, hợp pháp và lâu dài hơn sau đó bán với giá cao cho công ty; việc tập huấn nâng cao kỹ thuật đan lác truyền thống để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường đã giúp các nhóm đan lác có được việc làm, bán được nhiều sản phẩm với giá cao hơn... Về lâu dài, các diện tích mây được trồng sẽ có thể bắt đầu khai thác lâu dài từ năm thứ 5; đồng thời việc hỗ trợ hình thành, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý cho các tổ hợp tác sẽ giúp người dân chủ động hơn trong việc sản xuất và thực hiện hợp đồng liên kết bao tiêu với doanh nghiệp.
Qua các tiểu dự án mây tre đan này, có thể thấy các vấn đề mấu chốt trong việc xây dựng và triển khai thành công các chuỗi giá trị là ngay từ ban đầu phải xác định được sản phẩm mục tiêu cho cả quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện, tiềm năng tại chỗ và nhu cầu thị trường; đồng thời người dân phải thực sự chủ động trong quá trình thực hiện dưới sự hỗ trợ xuyên suốt, cam kết bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp có năng lực. Từ bài học này, với tiềm năng về nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch rất phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, UBND huyện Nam Giang định hướng một số mô hình tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng thông qua phát triển chuỗi giá trị ở địa phương, bao gồm:
1. Mô hình liên kết chuỗi giá trị trồng và tiêu thụ cây Chuối tiêu hồng hữu cơ với định hướng sản phẩm chuối nguyên nải xuất khẩu với sự tham gia của người dân và doanh nghiệp có năng lực, trách nhiệm cao.
2. Mô hình liên kết chuỗi giá trị nấm lim xanh tự nhiên trên địa bàn huyện với định hướng sản phẩm Nấm lim xanh thô hoặc chế biến thành thực phẩm chức năng. Mô hình sẽ thực hiện bảo tồn và phát triển diện tích nấm lim xanh trong tự nhiên với sự tham gia của các nhóm hộ được chủ rừng cấp phép và doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm từ nấm;
3. Mô hình liên kết chuỗi giá trị các loại cây ăn quả như Bưởi, Mít Thái theo định hướng sản phẩm trái cây sạch bán tại các siêu thị hoặc sản phẩm qua chế biến như Mít Sấy, Mít dầm, nước bưởi…
4. Mô hình phát triển chuỗi giá trị gà ta sạch chăn thả tự nhiên theo truyền thống người Cơ Tu, định hướng sản phẩm là trứng gà sạch, thịt sạch xuất bán tại các siêu thị hàng nông sản sạch trên cả nước.
Để thực hiện các mô hình này, trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện Nam Giang sẽ chủ động giao các cơ quan chuyên môn tham mưu nghiên cứu, tổ chức tham quan các mô hình thành công để từng bước xây dựng các dự án có tính khả thi, mời gọi liên kết với các doanh nghiệp có năng lực để triển khai thực hiện.