Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nam Trà My: nâng cao giá trị cây dược liệu gắn với liên kết chuỗi giá trị

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 8:23 | 09/10 Lượt xem: 402

Các loại cây dược liệu như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, giảo cổ lam, sa nhân,... là một thế mạnh mà huyện Nam Trà My đang triển khai. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực tự có, đến nay có trên 1.500 hộ tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, với diện tích 366 ha cây dược liệu các loại.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh.

Để đảm bảo nguồn giống cung ứng cho nhân dân, huyện đã thành lập Trại ươm dược liệu tại thôn 3, xã Trà Nam, tạo nguồn giống có chất lượng cung cấp cho nhân dân phát triển các loại cây dược liệu, diện tích là 2,5 ha. Ngoài ra, còn hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn các hộ có kinh nghiệm, có điều kiện tại các xã thành lập vườn ươm. Để bảo tồn giống đảng sâm, huyện Nam Trà My đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam tổ chức vườn giống sâm nam với diện tích 7,5 ha tại vùng đệm của vườn sâm Ngọc Linh gốc Tắk Ngo.

Đối với cây quế Trà My, để giữ nguồn gen quý này, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện đã cấp hàng triệu cây quế để nhân dân trồng. Phân công ngành nông nghiệp trực tiếp đến cơ sở vận động người dân không phá bỏ vườn quế mà vẫn bảo tồn, tiếp tục tự ươm giống trồng thêm quế. Nhờ vậy, hiện nay quế được trồng ở 10 xã, với diện tích hiện có trên 3.600 ha; định hướng của huyện đến năm 2025 sẽ trồng phủ kín 6.000 ha quế theo quy hoạch; từng bước hình thành nên các vùng quế chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu. Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm lâm sản ngoài gỗ đã triển khai lựa chọn 30 cây quế đầu dòng, xây dựng vườn giống quế chuyển hóa với 10 ha để lấy hạt làm giống; đã xây dựng vườn và trồng giống quế gốc với quy mô 05 ha nhằm duy trì, phát triển nguồn gen quế địa phương, bảo vệ thương hiệu cây quế Trà My. 

Đối với cây sâm Ngọc Linh, huyện tập trung chỉ đạo phát triển tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Diện tích và số hộ trồng sâm tăng đáng kể, vào năm 2014 số hộ trồng sâm chỉ vào khoảng 110 hộ, với 65ha trồng sâm, thì đến nay đã hình thành nên 53 chốt trồng sâm, với hơn 1.200 hộ dân và trên 1.600 ha trồng sâm Ngọc Linh. Nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, đã thu hút được 15 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký 2.000 ha.

Để đảm bảo nguồn giống và bảo tồn nguồn sâm Ngọc Linh gốc, Trại giống sâm Ngọc Linh ở Tắk Ngo thuộc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện đã trồng được 3,5 ha với số lượng cây sâm giống các loại là trên 15.000 cây từ 01–07 tuổi. Ngoài ra, còn có 1.250 cây sâm 05 tuổi thuộc đề tài nghiên cứu khoa học và 3.400 cây sâm con trong vườn ươm…

Tuy nhiên, việc phát triển, khai thác và nâng cao giá trị của các loại cây dược liệu chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện nay, quy mô diện tích sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chưa tập trung nên khó thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Việc liên kết của nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn chưa chặt chẽ, một số đơn vị chưa thực sự chủ động mà vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tình hình sản xuất cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, các hình thức liên kết trong sản xuất còn chưa chặt chẽ, thiếu ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình.

Vì vậy để nâng cao giá trị cây dược liệu cần có các giải pháp phát triển cây dược liệu gắn với liên kết chuỗi giá trị, đó là:

Tổ chức lại sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất, liên kết hộ nông dân; tổ hợp tác, tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới để mang lại thu nhập tốt nhất cho người sản xuất dược liệu.

 Tăng cường công tác đào tạo quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh cây dược liệu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong việc phát triển kinh tế xã hội và vai trò nòng cốt của hợp tác xã nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu để tăng cường nguồn lực và mở rộng hoạt động. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng cho các hợp tác xã (như: nhà kho, lò sấy, máy móc, thiết bị,...). Tăng cường vận động, hỗ trợ thành lập mới các HTX, THT tại các vùng sản xuất dược liệu tập trung. HTX đóng vai trò đại diện cho nông ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức các dịch vụ chung như cung ứng cây giống, vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ thu gom sản phẩm dược liệu, bảo quản, tạm trữ và tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân.

Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu tập trung, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu; tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất dược liệu. Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện liên kết phát triển cây dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết tranh chấp theo hướng hài hòa lợi ích các bên tham gia và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Bố trí nguồn kinh phí cần thiết thông qua các hệ thống khuyến nông, khuyến công, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất cây dược liệu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Phát triển sản xuất cây dược liệu cần gắn chặt với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Xác định địa bàn và đối tượng sản xuất thích hợp nhất; xây dựng quy trình và tiêu chuẩn, chuẩn hóa kỹ thuật, lên kế hoạch tổ chức sản xuất thành hệ thống.

          Việc phát triển, liên kết chuỗi giá trị cây dược liệu đang từng bước góp phần mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng dược liệu. Đây là hướng đi triển vọng cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm hơn nữa, đề ra những giải pháp phát triển hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tác nhân gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm dược liệu và từ đó nhân rộng mô hình sản xuất dược liệu để giúp người dân làm giàu.

Tác giả: Trà My

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: