Chi tiết tin

A+ | A | A-

Triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả

Người đăng: Bùi Thị Thùy Dung Ngày đăng: 10:06 | 24/11 Lượt xem: 475

Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh hiện có 106 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ hạng 3 sao OCOP trở lên. Trong đó, có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP, dự kiến đến cuối năm 2020, Quảng Nam có trên 200 sản phẩm OCOP.


Sản phẩm OCOP của người dân miền núi được tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Ảnh: X.HIỀN


Bên cạnh đó, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của Nhân dân, sức lan tỏa của Chương trình ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm sau cao hơn năm trước. Chủ thể tham gia Chương trình OCOP ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm; công tác củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP được thực hiện, các tổ chức kinh tế do thanh niên điều hành, hoạt động dần có hiệu quả; số việc làm được tạo ra nhiều hơn; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm được sản xuất, thương mại hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của vùng miền ở nông thôn Quảng Nam như các sản phẩm từ Đảng sâm, Quế, Lòn bon, Đậu phộng, Mè đen, Trầm hương, Tiêu Tiên Phước, gạo, nước mắm,… dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm thường được phát triển theo hướng đa dạng, dần theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sau 03 năm triển khai Chương trình OCOP, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhiều hộ nghèo đã được khuyến khích tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các dự án liên kết sản xuất, qua đó góp phần giảm tỷ lệ người nghèo tại các địa phương. Phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, vùng trồng cung cấp nguyên liệu mở rộng, doanh thu của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, doanh thu người dân tham gia trồng cung cấp nguyên liệu sẽ ở lại địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn. Vì thế, triển khai Chương trình OCOP 2021-2025 tiếp tục là giải pháp hiệu quả để thực hiện nhóm tiêu chí tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, tạo bộ mặt, diện mạo mới cho khu vực nông thôn góp phần triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đề án và cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025 sẽ được trình tại Kỳ họp HĐND sắp tới. Mục tiêu tổng quát Đề án nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Việt Nam bền vững.

Tác giả: Thùy Dung

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: