► Cây Đảng sâm
Đảng sâm là loài cây mọc tự nhiên và quen thuộc với các huyện miền núi dọc dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Nam (huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My…). Vài năm gần đây, Đảng sâm đã được trồng tại một số huyện (Tây Giang, Phước Sơn,…).
Đảng sâm là loại dược liệu quý, được mệnh danh là “tứ đại sâm” của Việt Nam, Đảng sâm Quảng Nam có ngoại hình đẹp, củ to hơn Đảng sâm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được nhiều thị trường ưu chuộng. Đảng sâm đã được nhiều cơ sở chế biến thành sản phẩm để phân phối trên thị trường, Từ củ Đảng sâm có thể tạo ra nhiều dạng sản phẩm (như rượu, cao, trà, mứt, nước và dạng củ tươi). Ngoài việc thu hoạch củ, tại Tây Giang bắt đầu sử dụng lá Đảng sâm như một loại rau ăn ngon và bổ dưỡng.
Hiện nay có 5 sản phẩm từ Đảng sâm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 3 sao: Rượu đảng sâm của Cơ sở SX-KD và chế biến rượu Đức Huy (Tây Giang), Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Chính Châu (Tây Giang); Sâm dây Phước Sơn của hộ sản xuất kinh doanh Võ Thị Thủy (Phước Sơn). 2 sản phẩm đạt 4 sao: cao đảng sâm của HTX dược liệu Đức Huy (Tây Giang), trà đảng sâm của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang.
►Cây Quế Trà My
Quế Trà My được trồng tập trung ở 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Các bộ phận thu hoạch của cây Quế (vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ) đều chứa nhiều tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có thể đạt 4 - 5%. Tinh dầu Quế là một vị thuốc quý được dùng nhiều trong Đông y và Tây y. Hiện Quế Trà My được gọi là “Cao sơn ngọc Quế”, có giá trị cao so với các loại Quế khác, được thị trường ưa chuộng.
Từ Quế có thể tạo ra nhiều dạng sản phẩm (như tinh dầu, hương, gia vị, dược liệu). Hiện nay có 4 sản phẩm từ Quế tham gia Chương trình OCOP Quảng Nam, có 3 sản phẩm đạt 3 sao: Hương quế đặc biệt của cơ sở chế biến và sản xuất Hương truyền thống Võ Tấn Hiếu (Thăng Bình); Tinh dầu Quế đóng lọ của cơ sở sản xuất kinh doanh Minh Phúc (Bắc Trà My); Bột Quế gia vị của cơ sở sản xuất Quế Trà My- Hương Quế (Nam Trà My). 1 sản phẩm đạt 4 sao: Tinh dầu Quế của HTX NN Dược liệu xanh Tiên Phước (Tiên Phước).
► Cây Lòn bon
Quả Lòn bon đã gắn với cuộc sống của một số huyện, xã miền núi, được xem như là một loại quả quý do thiên nhiên ban tặng. Từ thời nhà Nguyễn, Lòn bon đã thường xuyên được lựa chọn để tiến Vua, được Vua ban tặng danh hiệu Nam Trân (nghĩa là trái quý ở phương Nam). Ngày nay, Lòn bon đã trở thành một đặc sản của tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến.
Hiện nay, Lòn Bon được trồng nhiều nơi của tỉnh Quảng Nam như ở Nông Sơn, Đại Lộc, Tiên Phước, Đông Giang …Từ quả Lòn bon có thể tạo ra nhiều dạng sản phẩm (như quả tươi, rượu, rượu vang). Hiện nay có 2 sản phẩm từ Lòn bon tham gia Chương trình OCOP Quảng Nam, có 1 sản phẩm đạt 3 sao: Rượu vang Lòn bon của HTX Dịch vụ nông nghiệp, chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên (Tiên Phước), 1 sản phẩm đạt 4 sao: Rượu lòn bon của HTX Dịch vụ Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (Tiên Phước).
►Cây Đậu phộng
Với người dân xứ Quảng, dầu Đậu phộng là sản phẩm có từ lâu, mang giá trị của miền quê, là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình. Quảng Nam là tỉnh có diện tích canh tác Đậu phộng lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tập trung nhiều tại Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Phú Ninh,...
Hiện nay ở Quảng Nam có rất nhiều cơ sở ép dầu Đậu phộng ở các địa phương, từ hạt Đậu phộng chủ yếu tạo ra các sản phẩm dạng dầu và kẹo. Có 5 sản phẩm từ Đậu phộng tham gia Chương trình OCOP-QNa, có 4 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao.
►Dịch vụ du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn của Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng như: Dịch vụ du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn), Du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Du lịch cộng đồng thôn Za Ra, Tà Bhing (Nam Giang), Du lịch làng gốm Thanh Hà (Hội An), Du lịch sinh thái biển Tam Thanh…
Đến nay, đã hình thành được HTX dịch vụ lịch tại Làng cổ Lộc Yên, dự kiến đầu tư, khai thác sản phẩm dịch vụ tham quan nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên,… tại Tiên Phước. HTX cộng đồng Ngọc Linh đầu tư, khai thác sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng Xơ Đăng tại Nam Trà My.
Với những kết quả khả quan đạt được trong 3 năm qua, sản phẩm OCOP Quảng Nam đã dần khẳng định được thương hiệu và đi vào thị trường trong nước. Trong giai đoạn tới, Chương trình OCOP cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP đã tham gia đạt 3 sao trở lên, phát triển các sản phẩm này theo chuỗi giá trị, có liên kết chặt chẽ, quy mô lớn gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn vùng nguyên liệu, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị, xây dựng và phát triển thương hiệu cho từng sản phẩm để tạo thế mạnh, đặc trưng đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, dần hướng tới thị trường quốc tế.