Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm dầu phộng tại xã Tam Anh Bắc do HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc chủ trì. Tam Anh Bắc là địa phương nổi tiếng về sản xuất đậu phộng, đặc biệt dầu phộng là sản phẩm có truyền thống lâu đời được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Xã có diện tích đất trồng đậu phộng hơn 45ha, người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm khi sản xuất loại cây trồng này.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc cho biết: “Thời gian thực hiện dự án trong năm 2019 - 2020 với tổng kinh phí đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 560 triệu đồng, vốn đối ứng hơn 1,7 tỷ đồng. Quy mô liên kết sản xuất đậu phộng hơn 22ha với 200 hộ dân tham gia. HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ với cá nhân, doanh nghiệp.
Ông Võ Văn Thanh (nông dân tham gia dự án) chia sẻ: “Chúng tôi đã trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại sản xuất “Dầu phộng Chu Lai” và đã được huyện Núi Thành công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển đến cơ sở sản xuất mới rộng rãi và tăng cường sản xuất, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Mục tiêu hướng đến là xây dựng chuỗi giá trị đậu phộng an toàn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy tối đa giá trị cây đậu phộng, tạo ra sản phẩm đặc sản của địa phương”.
Từ tháng 9.2019, HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc bắt đầu triển khai dự án, ưu tiên chọn điểm sản xuất cây đậu phộng tập trung ở 2 thôn Đức Bố 2 và Thuận An với diện tích 22ha; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp IPM để sản xuất nguyên liệu đậu phộng an toàn.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón và sẽ tiếp tục hỗ trợ 38,5% chi phí này trong vụ đông xuân 2020 - 2021. HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc cũng đã xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản và sản xuất, đóng gói dầu phộng trên diện tích 120m2. Thực hiện dự án, HTX sẽ thu mua nguyên liệu, ép dầu và đóng chai đảm bảo quy định an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm “Dầu phộng Chu Lai” đạt chất lượng vào cuối năm 2020. Đồng thời đăng ký nhãn hiệu để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường, hỗ trợ thiết kế bộ nhãn mác phù hợp, giúp người tiêu dùng nắm được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Núi Thành, kinh phí OCOP hỗ trợ một phần máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm “Dầu phộng Chu Lai”, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc - Nguyễn Ngọc Hải, sản phẩm “Dầu phộng Chu Lai” có nhiều triển vọng. Việc thực hiện mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm này theo chuỗi giá trị đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân tham gia sản xuất sản phẩm đặc trưng có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là sản phẩm đầu tiên được chọn cho Chương trình OCOP của Tam Anh Bắc. Có được một loại sản phẩm đặc sản OCOP đúng tiêu chuẩn chất lượng quy định, có năng lực cạnh tranh với đầu ra ổn định sẽ tạo niềm tin cho nông dân khi tham gia sản xuất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm OCOP của huyện Núi Thành và tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
TH