Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn nhìn nhận, OCOP là chương trình có ý nghĩa xã hội hết sức quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết bài toán về việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời góp phần khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất những sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, chương trình này giúp địa phương phát huy thế mạnh, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới...
Đối với Điện Bàn, 3 năm qua đội ngũ cán bộ cấp xã, phường và thị xã đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức tham gia chương trình OCOP từ khâu xác định ý tưởng đến xây dựng mẫu phiếu; xây dựng phương án và triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh gắn với thực tiễn của từng đơn vị theo chu trình OCOP với 6 bước thực hiện, hướng sản phẩm đến mục tiêu đạt chất lượng quốc gia, quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng doanh thu của đơn vị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã. Từ năm 2018 - 2019, Điện Bàn có 8 sản phẩm của 7 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, thị xã tiếp tục phát triển mới 7 sản phẩm OCOP của 6 chủ thể.
“Hầu hết chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh ở Điện Bàn đều có bước phát triển tích cực trong thời gian qua. Điển hình, sau khi sản phẩm gạo sạch hữu cơ Phong Thử được UBND tỉnh xếp hạng OCOP 3 sao năm 2018, Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn chuyển biến rõ nét. Năm 2019, doanh thu của công ty đạt hơn 1,8 tỷ đồng, tăng 67,27% so với năm 2018; lợi nhuận năm 2019 là 410 triệu đồng, tăng 64% so với năm 2018; tạo thêm việc làm cho 14 lao động với mức thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng” - ông Chơi nói thêm.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình OCOP ở Điện Bàn vẫn còn nhiều tồn tại. Đáng chú ý, trên địa bàn thị xã có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của các làng nghề như chiếu chẻ Triêm Tây, bê thui Cầu Mống, bánh tráng Phú Chiêm, mỳ Quảng Phú Chiêm... cùng với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông nghiệp - nông thôn nhưng lại có rất ít cơ sở đăng ký tham gia dự thi chương trình OCOP. Trong khi đó, đa số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu là quy mô hộ gia đình nên khó khăn trong việc hoàn chỉnh và xây dựng bộ hồ sơ tham dự chương trình OCOP cũng như có nhiều nội dung còn chưa nắm bắt kịp thời và triển khai vào thực tế tại đơn vị. Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả...
TH