Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kinh tế vườn làm thay đổi diện mạo nông thôn Tiên Phước

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 14:55 | 24/12 Lượt xem: 363

Sáng nay 24.12, huyện Tiên Phước tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dự hội nghị.

Tiên Phước sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 548 vào sáng nay. Ảnh: D.L

Tiên Phước sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 548 vào sáng nay. Ảnh: D.L

Hiệu quả thực tế

Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt Đề án 548) nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng nhân rộng mô hình vườn mẫu, nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới đến năm 2025. Qua đó giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, văn hóa, truyền thống địa phương, xây dựng văn hóa làng quê, không gian vườn sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du Xứ Quảng. Huy động, lồng ghép các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh xây dựng huyện trọng điểm kinh tế vườn. Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, thành phần kinh tế để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hình thành các điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Trung du Quảng Nam. 

Sau 3 năm thực hiện, đến nay Đề án 548 cùng với nhiều nguồn lực khác đã tạo tác động mạnh, làm thay đổi diện mạo nông thôn Tiên Phước. Các vùng sản xuất, vùng trồng cây ăn quả theo định hướng quy hoạch của huyện đã phát triển mạnh như vùng thanh trà tại Tiên Hiệp, mở rộng ra các xã Tiên Ngọc, Tiên Lãnh; vùng lòn bon tại xã Tiên Châu, mở rộng ra các xã Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ; vùng sầu riêng, cam giấy tại các xã Tiên Hà, Tiên Sơn, Tiên Cẩm; vùng trồng tiêu các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lộc; vùng cau tại Tiên Lãnh, Tiên Ngọc; vùng dó bầu ở các xã vùng núi cao. 

Toàn huyện phát triển được 324 mô hình trồng mới tiêu Tiên Phước trên 100 choái, trong đó có 4 mô hình 500 - 1.000 choái và 1 trang trại trồng tiêu quy mô 3ha, doanh thu bình quân hằng năm trên 40 tỷ đồng. Đề án đã hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện 43 mô hình trồng mới chuyên canh cây thanh trà trên 100 cây diện tích 45ha và hỗ trợ hướng dẫn 28 mô hình chăm sóc thâm canh vườn thanh trà diện tích 25,5 ha, doanh thu đạt 9 tỷ đồng năm 2020. Lòn bon đạt diện tích trên 350ha, quế 80ha, măng cụt 150ha, cau 640ha, chuối 1.400ha, sầu riêng và bưởi da xanh 124ha...

Nhiều hộ dân tham gia cải tạo chỉnh trang vườn, thực hiện đủ các nội dung, hạng mục theo hướng dẫn của Đề án 548 như làm cổng ngõ và lát ngõ đá; trồng hàng rào xanh và chất bậc đá; đầu tư hệ thống tưới; trồng cây bổ sung; di dời chuồng gia súc; xây dựng hầm bioga. Các hộ trong vùng lõi du lịch còn thực hiện thêm các hạng mục bảo vệ cây lưu niên đặc trưng, xây dựng ao cá, hồ cảnh quan... Kết quả có 724 hộ thực hiện cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vườn nhà, trong đó có 522 vườn hộ đạt tiêu chí vườn xanh sạch đẹp hiệu quả đạt tỷ lệ 72%.

Tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện hiện nay 5.882ha, tăng 436ha so với năm 2017, diện tích vườn được cải tạo chỉnh trang cơ cấu cây cây trồng hợp lý, hiệu quả kinh tế  3.984ha, chiếm tỷ lệ 68% tổng diện tích vườn. 

Nhiều người dân Tiên Phước đã tham gia chỉnh trang, trồng mới nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: D.L
Nhiều người dân Tiên Phước đã tham gia chỉnh trang, trồng mới nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: D.L

Tham gia tích cực vào xây dựng sản phẩm OCOP

Kinh tế vườn phát triển kéo theo đời sống người dân được nâng cao hơn, nhờ chính những thành quả mà họ đang là thực thể tham gia vào quá trình đó. Phát triển kinh tế vườn thì đầu ra cho sản phẩm cũng phải được quan tâm, đưa đến thị trường những sản phẩm chất lượng. 

Kết quả phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã tạo ra các vùng nguyên liệu đa dạng phong phú hỗ trợ đắc lực cho thực hiện Kế hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm của Tiên Phước.

Trong 2 năm 2018 - 2019, huyện có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Năm 2020 có 10 sản phẩm đã được hội đồng cấp huyện đánh giá phân hạng với 5 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm 4 sao. Trong đó, chủ thể là HTX chiếm tỷ lệ tuyệt đối, nhiều chủ thể HTX có 2 - 4 sản phẩm OCOP. 

Số lượng, quy mô và chất lượng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc  kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện ngày càng nhiều. Đến nay, đã hình thành được các bộ sản phẩm, dòng sản phẩm  thế mạnh của địa phương, có bao bì, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, với số lượng hàng chục sản phẩm/1 bộ/1 dòng.

Điển hình như dòng sản phẩm thảo dược của HTX Nông dược xanh Tiên Phước (25 sản phẩm); bộ sản phẩm trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Kỳ (9 sản phẩm); dòng sản phẩm rượu các loại của HTX Nhật Linh và HTX Phước Tuyên (3 sản phẩm); bộ sản phẩm vật dụng từ cây cau (11 sản phẩm) của HTN Nông nghiệp kỹ nghệ Tiên Phước; dòng sản phẩm dầu phộng, dầu mè, dầu gấc của Cơ sở sản xuất Thanh Toàn và HTX Châu Phát (12 sản phẩm); dòng sản phẩm bánh tráng, mì khô của THT Địch Yên (4 sản phẩm); dòng sản phẩm chuối sấy, chuối ép của HTX Nông nghiệp Tiên Mỹ, HTX Tích Lộc (3 sản phẩm)… 

Từ đó, tạo ra sự đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, tính độc đáo của sản phẩm địa phương trên thị trường; góp phần quan trọng thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là toàn huyện có 10/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất kinh tế vườn đạt 390.412 triệu đồng, chiếm 35,7% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện (1.092 triệu đồng).

TH

Tác giả: Theo Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: