Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nâng sức hút của sản phẩm OCOP

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 9:26 | 25/12 Lượt xem: 552

Từ lợi thế về rừng tự nhiên, bên cạnh chú trọng triển khai mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó tập trung phát triển cây dược liệu và nông sản hữu cơ, Tây Giang đã và đang tiếp tục hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.


Sản phẩm Măng điền trúc của Tây Giang.
Sản vật của rừng

Với độ che phủ rừng tự nhiên đạt hơn 72%, Tây Giang được xem là nơi có nhiều sản vật độc đáo của núi rừng. Không chỉ là ba kích, đảng sâm với hàng trăm héc ta được trồng khắp các cánh rừng già, Tây Giang còn sở hữu nhiều kỳ quan sinh thái hấp dẫn du khách, từ quần thể pơmu, rừng lim quý hiếm cho đến rừng hoa đỗ quyên, cây đa cổ thụ…

Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, tận dụng lợi thế vốn có của rừng, những năm qua, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình kinh tế mới, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định và hình thành các sản phẩm đặc trưng để đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Đồng thời định hướng tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng dựa trên nguyên liệu sẵn có, chú trọng phát triển sản phẩm mới như rau sạch, măng rừng, rượu lúa rẫy, trà đảng sâm, cao đảng sâm... Từ định hướng trên, năm 2019 Tây Giang đăng ký 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao (trà đảng sâm và cao đảng sâm) và 3 sản phẩm đạt 3 sao (măng tre điền trúc sấy khô, rượu đảng sâm, rượu ba kích).

Để sản phẩm tham gia OCOP ngày càng đa dạng, bên cạnh cử cán bộ hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp xây dựng ý tưởng, địa phương còn phân bổ kinh phí cho các xã triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời xây dựng một số dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ sở hình thành vùng nguyên liệu tập trung, phát triển sản phẩm tiềm năng để tham gia OCOP. Nhờ vậy, năm 2020, Tây Giang đã xét chọn và trình UBND tỉnh thẩm định 5 ý tưởng sản phẩm mới, bao gồm: mứt đảng sâm, chè dây, đảng sâm ngâm mật ong, cao ba kích, trà hoa hồng Tây Giang.

Nâng sức hút

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh cho hay, trước thực trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp ở miền núi trùng lắp, lẩn quẩn điệp khúc “mất mùa, được giá - được mùa, mất giá”, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp phù hợp để nâng giá trị sản phẩm. Vốn có lợi thế về rừng, bên cạnh khoanh vùng sản xuất theo quy hoạch, địa phương đã hỗ trợ đẩy mạnh trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đồng thời kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm nông - lâm nghiệp.

Năm 2018, từ đề án chương trình OCOP của tỉnh, Tây Giang đã mời PGS-TS. Trần Văn Ơn (chuyên gia OCOP và phát triển dược liệu) cùng một số chuyên gia giàu kinh nghiệm khác tư vấn để tìm ra sản phẩm OCOP độc đáo, riêng biệt. Huyện ủy Tây Giang cũng ban hành Chỉ thị số 18-CT/HU về lãnh đạo thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngoài ưu tiên nâng cao nhận thức về chương trình, xác định và phát triển sản phẩm dịch vụ, nội dung của chỉ thị còn chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, từ năm 2018 Tây Giang đã được tỉnh chọn 2 sản phẩm để tập trung hoàn thiện, nâng cấp tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh, bao gồm rượu ba kích của cơ sở Chính Châu và rượu đảng sâm của cơ sở Đức Huy.

“Trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, chúng tôi cũng hướng đến các sản phẩm lợi thế như ba kích tím, đảng sâm, nấm ngọc cẩu, sơn tra, gạo xươn, nếp proong…, gắn với các sản phẩm dịch vụ, du lịch khác hình thành chuỗi liên kết giá trị kinh tế đặc trưng của vùng” - ông Linh chia sẻ.

Hiệu quả bước đầu từ liên kết phát triển cây dược liệu vùng tây bắc Quảng Nam giúp Tây Giang đẩy mạnh khai thác giá trị kinh tế dựa vào rừng. Bên cạnh mở rộng diện tích trồng dược liệu, địa phương nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo sức hút bằng chính thương hiệu của OCOP. Để nông sản vùng cao tiếp tục trở thành kinh tế mũi nhọn, cùng với đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc cụ thể hóa các nội dung theo tinh thần Chỉ thị 18 của Huyện ủy, Tây Giang hướng đến xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chọn ra sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương để tập trung đầu tư và hoàn thiện các khâu đăng ký tham gia chương trình OCOP những năm tiếp theo.

“Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện để triển khai hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư trên lĩnh vực sản xuất gắn với chế biến dược liệu và lĩnh vực du lịch sinh thái. Cùng với đó, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ tỉnh, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình, cũng như kết nối tìm sự hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia đầu ngành để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP” - ông Linh nói.

TH


Tác giả: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: