Theo số liệu thống kế, tỉnh Quảng Nam hiện đang có tổng cộng 333 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP. Đối với các sản phẩm OCOP hạng 3 sao có 275 sản phẩm, có 58 sản phẩm hạng 4 sao và 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Để xúc tiến sản phẩm, năm 2022 vừa qua địa phương đã triển khai,tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, tại công tác lựa chọn, Quảng Nam cũng đặt mục tiêu ít nhất 70% sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 10-15 sản phẩm 4 sao.
Để đồng hành với các chủ thể, tỉnh Quảng Nam đã nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Đặc biệt, hướng đến phổ biến quy định 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm.
Một điểm bán hàng với các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tại TP Hội An.
Để tăng sự hiện diện cho sản phẩm OCOP tại các đị phương, Quảng Nam đã xay dựng kế hoạch xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đến cuối năm 2023, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP.
Cùng với đó, các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên đến 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Để làm được việc đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cả chính quyền và nỗ lực không ngừng của các chủ thể.
Theo ông Hường Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam hiện đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối, xúc tiến sản phẩm Quảng Nam năm 2023. Ông Minh cho biết sắp tới sẽ có các hoạt động thông tin thương mại và tuyên truyền, quảng bá để tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và nước ngoài, xúc tiến sản phẩm Quảng Nam tại các địa phương như Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyen, hai đầu Nam Bắc,...
Thông qua các sự kiện, tỉnh Quảng Nam định hướng xúc tiến thương mại cho toàn sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề, các sản phẩm nông sản của tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi,.... Đặc biệt, hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong việc duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên đến 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
“Các sự kiện nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo thị phần ổn định trên thị trường”, ông Minh cho hay.
Ngoài việc hỗ trợ các đơn vị, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ định hướng thay đổi cách thức hoạt động của các đơn vị theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích ứng với những biến đổi nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa. Việc thay đổi sẽ tạo nên những tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm. Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,...
Ở góc độ địa phương, ông Trần Việt Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc thông tin hiện Đại Lộc đang có 20 sản phẩm, chủ thể sản phẩm được công nhận OCOP. Ông Phương cho rằng chứng nhận OCOP đã giúp một số chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và tìm được thị trường tiêu thụ.
Các sự kiện xúc tiến sẽ là cơ hội để các chủ thể OCOP tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để phát triển thương hiệu.
“Đến cuối năm 2025, huyện sẽ phấn đấu có thêm 15 sản phẩm đạt 3 sao trở lên Đồng thời, phát triển mới các sản phẩm có thế mạnh và tập trung vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị chủ lực của địa phương, gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó là xây dựng 01 Trung tâm OCOP cấp huyện và 02 điểm bán hàng OCOP”, ông Phương cho biết.
Là chủ sở hữu sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, chị Thái Thị Nhị (TP Hội An) cho hay công tác quảng bá, xúc tiến được triển khai hiệu quả sẽ giúp các sản phẩm kết nối được với đối tác, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chị Nhị cũng cho rằng việc xây dựng các trung tâm OCOP tại địa phương sẽ đưa sản phẩm đến gần với người dân hơn với cách mà các đơn vị tự thực hiện.
“Các sản phẩm từ khi mới hình thành đến khi có thương hiệu đều trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tìm kiếm khách hàng. Vì vậy, sự hỗ trợ của địa phương trong quản bá thương hiệu, tăng sự hiện diện cũng chính là giúp các đơn vị tìm kiếm đầu ra cho sau này”, chị Nhị nói.