Chi tiết tin

A+ | A | A-

Quy định hỗ trợ cho Chương trình OCOP

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 14:03 | 10/05 Lượt xem: 162

Theo Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài Chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy Chứng nhận OCOP cho chủ thể

Điều 13. Chi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài Chính

1. Đối tượng, phạm vi, nội dung hoạt động thực hiện theo quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT).

2. Nội dung chi và mức chi

a) Chi hỗ trợ xây dựng Đề án, Kế hoạch cấp tỉnh, huyện; hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm bao gồm chi hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu sản phẩm, thuê chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, kế hoạch, xây dựng câu chuyện sản phẩm. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 5 Thông tư này;

b) Chi hỗ trợ tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 5 Thông tư này;

c) Chi hỗ trợ xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP; tài liệu hướng dẫn, tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia chu trình OCOP; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 5 Thông tư này;

d) Chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP: Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

đ) Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên thực tế (hỗ trợ biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị để phục vụ trưng bày và bán sản phẩm OCOP,...). Mức hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP. Mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu;

g) Chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem. Mức hỗ trợ thực hiện theo hóa đơn thực tế và quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

h) Chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, bao gồm:

- Chi thuê chuyên gia, vận chuyển và bảo quản sản phẩm dự thi. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 6, khoản 9 Điều 5 Thông tư này;

- Chi phí tổ chức thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Mức chi thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

- Chi giải thưởng cho các sản phẩm đạt sao. Mức chi các giải thưởng đạt 5 sao, 4 sao, 3 sao tương ứng với giải nhất, giải nhì, giải ba thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 126/2018/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh

Điều 3. Nội dung, mức chi triển khai Chu trình OCOP thường niên

1. Chi thuê tư vấn xây dựng đề án, dự án: Chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chi tiền lương chuyên gia tư vấn thực hiện theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước và các quy định hiện hành khác.

2. Chi truyền thông, thông tin tuyên truyền: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

3. Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi chế độ công tác phí, chế độ hội nghị và các quy định hiện hành liên quan về hội nghị, hội thảo, tập huấn.

4. Chi tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP

a) Chi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND .

b) Chi tham quan, học tập kinh nghiệm nước ngoài: Nội dung, đối tượng, mức chi cụ thể thực hiện theo Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất.

5. Chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, cấp huyện

a) Thuê đơn vị tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh: Chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chi tiền lương chuyên gia tư vấn thực hiện theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ; chi công tác phí thực hiện theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND .

b) Tiền công cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thành viên Hội đồng: 500.000 đồng/ngày.

Thành viên Tổ giúp việc: 200.000 đồng/ngày.

c) Tiền công cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Thành viên Hội đồng: 300.000 đồng/ngày.

Thành viên Tổ giúp việc: 150.000 đồng/ngày.

d) Chi phí thuê đơn vị tư vấn kiểm nghiệm/phân tích độc lập các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm (áp dụng đối với các sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đánh giá lần 1 đạt từ 50 điểm trở lên theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP): Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

e) Chi phí khác phục vụ Hội đồng đánh giá cấp tỉnh, cấp huyện: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND .

6. Chi trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP tại các cuộc Hội nghị, Hội thảo, diễn đàn: Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Chi tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh: Nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công và các quy định khác liên quan.

8. Chi xây dựng, duy trì, nâng cấp hệ thống phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và hệ thống phần mềm lưu trữ, truy xuất hồ sơ, dữ liệu liên quan Chương trình OCOP ở cấp tỉnh; nâng cấp và duy trì Website OCOP Quảng Nam: Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Chi thiết kế, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Chương trình OCOP Quảng Nam: Bộ nhận diện văn phòng (danh thiếp, phong bì thư, tiêu đề thư, thẻ cán bộ OCOP, đồng phục, các nội dung khác liên quan); Bộ nhận diện ngoài trời (Pano, áp phích, băng rôn, các nội dung khác liên quan); Bộ nhận diện Marketing (facebook, fanpage OCOP Quảng Nam, Catalogue sản phẩm OCOP tiêu biểu, video/phóng sự về mô hình điểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, các nội dung khác liên quan): Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

10. Chi cho công tác tổ chức thực hiện, quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chu trình OCOP và chi khác: Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; thủ công mỹ nghệ, trang trí; vải và may mặc

1. Tư vấn xây dựng liên kết: Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm: Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với chủ thể là hợp tác xã và doanh nghiệp; không quá 200 triệu đồng đối với các chủ thể là tổ hợp tác; không quá 150 triệu đồng đối với chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

3. Kiểm nghiệm/phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tư vấn lập hồ sơ công bố sản phẩm: Hỗ trợ tối đa 70% chi phí nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm (chỉ hỗ trợ 1 lần).

4. Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP): Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025.

5. Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại các điểm b, c khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 02/2019/NQ- HĐND.

6. Thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc): Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 17/2019/NQ- HĐND.

7. Đăng ký mã số, mã vạch: Hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/chủ thể.

8. Đăng ký nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm e khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND .

9. Tham gia hội chợ, triển lãm: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí nhưng không quá 05 triệu đồng/lần tham gia (tổ chức trong tỉnh); hỗ trợ tối đa 80% chi phí nhưng không quá 10 triệu đồng/lần tham gia (tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước), bao gồm: chi phí thuê mặt bằng, trang trí gian hàng. Riêng đối với các chủ thể sản xuất ở 06 huyện miền núi cao còn được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/lần tham gia hội chợ, triển lãm (tổ chức ở khu vực đồng bằng) để vận chuyển hàng hóa, sản phẩm. Các chủ thể sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh (trong nước) được hỗ trợ tối đa 05 triệu đồng đối với 6 huyện miền núi cao và 03 triệu đồng đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại để chi phí vận chuyển. Hỗ trợ tối đa 02 lần/năm, kể cả tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

10. Tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài: Hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/chủ thể/lần tham gia. Hỗ trợ tối đa 01 lần/chủ thể/năm.

11. Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng/chủ thể. Mỗi chủ thể chỉ được hỗ trợ 01 lần.

12. Xây dựng câu chuyện sản phẩm: Hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/sản phẩm, với điều kiện sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đánh giá đạt 50 điểm trở lên.

13. Thuê tư vấn giúp chủ thể OCOP lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm: Hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/hồ sơ, với điều kiện sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đánh giá đạt 50 điểm trở lên.

14. Thưởng cho các sản phẩm đạt 3-5 sao của Chương trình OCOP

a) Sản phẩm đạt hạng 5 sao: Thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm.

b) Sản phẩm đạt hạng 4 sao: Thưởng 10 triệu đồng/sản phẩm.

c) Sản phẩm đạt hạng 3 sao: Thưởng 05 triệu đồng/sản phẩm.

Trường hợp sản phẩm của chủ thể tham gia nâng cấp được đánh giá, phân hạng năm sau cao hơn năm trước, thì được thưởng thêm phần chênh lệch giữa 02 hạng sao cũ và mới.

Điều 5. Hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch

1. Phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; quảng bá, xúc tiến du lịch: Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Xây dựng câu chuyện sản phẩm; thuê tư vấn giúp chủ thể OCOP lập hồ sơ, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm; thưởng cho các sản phẩm đạt hạng 3-5 sao của Chương trình OCOP: Thực hiện theo khoản 12, 13, 14 Điều 4 Nghị quyết này.

Điều 6. Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP

1. Hỗ trợ điểm bán hàng đối với cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

a) Nội dung hỗ trợ: Chi sửa chữa nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí điểm bán hàng, hỗ trợ trả tiền thuê mặt bằng (nếu có) và các nội dung cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng (không phải hỗ trợ để xây dựng cơ bản).

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa 100% ở địa bàn thuộc 6 huyện miền núi cao (khu vực I); tối đa 70% ở địa bàn 3 huyện miền núi thấp và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng, các xã bãi ngang ven biển theo các quy định hiện hành (khu vực II); tối đa 50% ở địa bàn thuộc các huyện, thị xã, thành phố còn lại (khu vực III), nhưng không quá 100 triệu đồng/điểm bán hàng. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

c) Điều kiện được hỗ trợ: Có phương án hoạt động, được Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất. Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân với tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn khu vực I; từ 500 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn khu vực II; từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn khu vực III. Chủ đầu tư điểm bán hàng OCOP phải cam kết bằng văn bản là hoạt động đúng mục đích tối thiểu đủ 03 năm liên tục.

2. Hỗ trợ Trung tâm OCOP cấp huyện

a) Nội dung hỗ trợ: Khuyến khích các đối tượng, các chủ thể đầu tư xây dựng hoặc thuê mặt bằng để hình thành Trung tâm OCOP nhằm quảng bá, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP và tổ chức các hoạt động khác theo nội dung của Chương trình OCOP (làm nơi tập huấn, đào tạo, hội thảo, hội nghị...); ngân sách nhà nước hỗ trợ để trang trí, bảng hiệu, cửa kính, tủ, giá, kệ, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ Trung tâm OCOP, các nội dung khác có liên quan đầu tư cơ sở vật chất của Trung tâm OCOP (nhưng không có tính chất xây dựng cơ bản), hỗ trợ tiền thuê mặt bằng (nếu có).

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa 100% ở địa bàn thuộc khu vực I; tối đa 70% ở địa bàn thuộc khu vực II; tối đa 50% ở địa bàn thuộc khu vực III, nhưng không quá 500 triệu đồng cho 01 Trung tâm OCOP cấp huyện.

c) Điều kiện được hỗ trợ: Có phương án hoạt động được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất. Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ: 1.000 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn thuộc khu vực I; từ 1.500 triệu đồng/năm đối với địa bàn thuộc khu vực II; từ 2.000 triệu đồng/năm đối với địa bàn thuộc khu vực III. Chủ đầu tư Trung tâm OCOP cấp huyện phải có cam kết bằng văn bản là hoạt động đúng mục đích tối thiểu đủ 05 năm liên tục.

3. Hỗ trợ Trung tâm OCOP cấp tỉnh

a) Nội dung hỗ trợ: Thực hiện theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết này.

b) Mức hỗ trợ: Tối đa 50% nhưng không quá 1.000 triệu đồng cho 01 Trung tâm OCOP cấp tỉnh.

c) Điều kiện được hỗ trợ: Có phương án hoạt động được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất. Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ 5.000 triệu đồng/năm trở lên và chủ đầu tư trung tâm OCOP cấp tỉnh phải có cam kết bằng văn bản hoạt động đúng mục đích tối thiểu đủ 10 năm liên tục.

4. Trung tâm OCOP vùng ở Hội An: Khi có chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bổ sung quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể.

5. Hỗ trợ điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

a) Nội dung hỗ trợ: Chi sửa chữa nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm.

c) Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm đạt 04 sao cấp tỉnh trở lên

Điều 7. Kinh phí thực hiện

1. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, hằng năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết.

2. Vốn ngân sách cấp huyện.

3. Vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án khác.

4. Vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tác giả: Võ Hưng- Chi cục Phát triển nông thôn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: