Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam được triển khai thực hiện từ năm 2018 trên cơ sở Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quảng Nam là một tỉnh đi đầu trong công tác cụ thể hóa các chủ trương trên bằng các cơ chế chính sách của tỉnh như: Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã, một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Qua 06 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn; là chương trình thành phần trọng tâm góp phần to lớn trong việc đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Quang cảnh tại triển lãm thành tựu sản phẩm OCOP Quảng Nam, ảnh VH
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Chương trình OCOP thay đổi tư duy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn theo các quy định của pháp luật... Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chương trình đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước, từ đó, các sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt sao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu.
Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách tích cực.
Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình OCOP, cán bộ, người dân còn chưa biết “OCOP là gì?” song nhờ tiếp cận sớm, xây dựng cơ chế chính sách kịp thời, đến nay tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện tốt Chương trình, là tỉnh nằm trong tốp đầu về triển khai thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước, đứng đầu khu vực miền trung Tây Nguyên. Với tổng sản phẩm được công nhận hạng 03 sao OCOP trở lên là 395 sản phẩm.
Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn; đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất như: VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP… phát triển Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”. Đến nay Sản phẩm OCOP đã lan tỏa và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách tích cực.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP, ảnh QTR
Các nội dung cần thực hiện để phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian đến.
(1)Tổ chức sản xuất cần gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng:
Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu từng vùng.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.
(2) Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường
Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc như: (i) Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; (ii) Sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; (iii) Sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống.
Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
Sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.
Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc.
Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
(3) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP
Tăng cường nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP.
(4) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
(5) Tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Đến nay có để khẳng định chất lượng, thương hiệu là sản phẩm OCOP “sản phẩm địa phương Vươn ra toàn cầu”. Với những hiệu quả tích cực nêu trên, hy vọng năm 2024 Chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam mang lại nhiều thay đổi tích cực cho kinh tế khu vực nông thôn tỉnh nhà!