Huyện Núi Thành quan tâm hỗ trợ hiện đại hóa máy móc sản xuất cho các chủ thể sản phẩm OCOP. Ảnh: Đ.P
Ưu tiên hỗ trợ kinh phí
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chương trình OCOP được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện từ cuối năm 2018.
Đến nay, toàn huyện có 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3-4 sao, riêng năm 2024 phát triển được 4 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong số sản phẩm nêu trên, có nhiều sản phẩm đặc sản và lợi thế của địa phương, được đăng ký nhãn hiệu, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, bao bì được hoàn thiện đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Theo ông An, để có được kết quả khả quan đó, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện Núi Thành sớm bổ sung nhiệm vụ của ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, thành lập hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm, nhất là thành lập tổ giúp việc của huyện để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể sản phẩm tham gia chương trình.
“Tổ giúp việc làm việc cụ thể với các chủ thể nhằm xác định nội dung cần thực hiện, cần đầu tư để xây dựng và phát triển sản phẩm. Từ đó, kịp thời tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để chủ thể có thêm nguồn lực thực hiện” - ông An nói.
Huyện Núi Thành luôn quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP trong xúc tiến thương mại, kết nối đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Đ.P
Theo các chủ thể sản phẩm OCOP ở Núi Thành, sự quan tâm của chính quyền đã giúp họ hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, có cơ hội đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tăng doanh số bán hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải (xã Tam Quang) cho biết, HTX được thành lập năm 2018 và xuyên suốt quá trình phát triển luôn có sự đồng hành, tư vấn, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Nhờ đó, HTX đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ chăn nuôi tổng hợp sang trồng nấm công nghệ cao đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Vũ, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải được Sở KH-CN Quảng Nam chuyển giao kỹ thuật trồng nấm công nghệ cao trên giá thể là phôi nấm đóng bịch từ nguyên liệu là mùn cưa, xác cà phê, mía đường, rơm rạ, gỗ mục.
Điều này đã tạo bệ phóng cho HTX tạo dựng được thương hiệu với những sản phẩm từ nấm linh chi, bào ngư, mộc nhĩ... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm bột nấm mộc nhĩ Hoàng Hải đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm là trà linh chi Hoàng Hải và nấm linh chi Hoàng Hải được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Đến cuối năm 2023, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải tiếp tục được hỗ trợ kinh phí triển khai đề án “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ nấm”.
Ông Nguyễn Thanh Vũ nói, nhờ sự hỗ trợ này mà HTX đã đầu tư máy nghiền dược liệu, máy trộn bột khô, máy tạo hạt cốm, máy đóng gói 4 biên có in hạn sử dụng. Qua đó, giúp đơn vị tăng năng suất, nâng cao chất lượng hàng hóa và hạ được giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận...
Nhiều sản phẩm OCOP của Núi Thành được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Đ.P
Trợ lực bằng nhiều giải pháp
Những năm qua, UBND huyện Núi Thành quan tâm thực hiện các giải pháp để hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP phát triển mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại nhằm tăng doanh số, doanh thu và lợi nhuận.
Trong đó, Núi Thành ưu tiên hỗ trợ kinh phí để các chủ thể nâng cấp máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay huyện đã hỗ trợ 940 triệu đồng cho 8 chủ thể để có điều kiện mua sắm các loại máy móc, thiết bị phụ vụ sản xuất...
Riêng năm 2024, có 4 hộ cá thể, doanh nghiệp được hỗ trợ 71 triệu đồng/đơn vị là Công ty TNHH Trí Tín Thịnh (xã Tam Xuân 1) để phát triển sản phẩm bánh chưng VINACAKE; HTX Farm Hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây) với sản phẩm khô gà thảo mộc; hộ kinh doanh xúc xích Hiền Trương (xã Tam Mỹ Đông) với sản phẩm xúc xích Hiền Trương; hộ kinh doanh Thủy Hà (xã Tam Tiến) với sản phẩm bánh khoai lang phồng rau củ. Cạnh đó, Công ty CP Dược liệu Quảng Nam (xã Tam Xuân 1) cũng được huyện hỗ trợ 76 triệu đồng cho sản phẩm sữa chua sấy thăng hoa.
UBND huyện Núi Thành liên tục tổ chức các sự kiện, hội chợ tại địa phương để quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia nhiều hoạt động trưng bày, hội chợ ở tỉnh và các địa phương khác để xúc tiến thương mại, kết nối đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Núi Thành đã xây dựng điểm trưng bày và bán hàng OCOP tại xã Tam Anh Nam.
Ông Ngô Đức An nhìn nhận, hiện nay nhiều chính sách phát triển nông thôn có hiệu quả, góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phát triển thị trường, phát huy hiệu quả các lợi thế sẵn có của địa phương. Đó là điều kiện để đẩy mạnh chương trình OCOP và nâng số lượng, chất lượng sản phẩm.
“Thời gian tới, chúng tôi tập trung khắc phục hạn chế về việc nhiều chủ thể không tiếp tục tham gia xếp hạng lại sản phẩm OCOP. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm chế biến sâu trên lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất để tạo đòn bẩy hỗ trợ kinh tế nông thôn phát triển, giúp các chủ thể dễ dàng phát triển các sản phẩm OCOP…” - ông Ngô Đức An nói.