Sáng 20/8 tại Quảng Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức diễn đàn với chủ đề “Sâm Ngọc Linh – tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số”.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, trên địa bàn hiện có 1.300 ha sâm Ngọc Linh; ngoài ra hơn 1.500 hộ dân thuộc bảy xã đang đăng ký trồng 2.500 ha, bảy doanh nghiệp đăng ký trồng gần 300 ha.
"Đừng nghĩ sâm Ngọc Linh chỉ trồng ở núi Ngọc Linh mà nên nhân rộng trên toàn quốc, bởi loại dược liệu này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa Việt Nam có nhiều địa phương miền núi, diện tích rừng lớn phù hợp trồng loại cây này", ông Bửu nói.Theo ông Bửu, khâu sản xuất giống sâm Ngọc Linh hiện gặp nhiều khó khăn, cần có cơ quan chịu trách nhiệm tạo giống và kiểm định chất lượng để bảo vệ thương hiệu. Cùng với đó, lãnh đạo Nam Trà My cũng đề xuất Chính phủ có dự án quốc gia về việc đưa (di thực) cây sâm Ngọc Linh đi trồng ở các địa phương khác có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển.
Vị này phân tích thêm, sâm Hàn Quốc có nhiều loại giá từ 2 triệu đến 250 triệu đồng mỗi kg, như vậy sâm Ngọc Linh cũng có thể phát triển đa dạng; sâm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh giá sẽ cao, còn đưa ra huyện miền núi các tỉnh khác giá thấp hơn.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam cho biết, trên địa bàn Quảng Nam đã đưa sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My sang huyện Tây Giang và huyện Phước Sơn trồng cho kết quả tốt. “Cơ quan chức năng đánh giá dược chất sâm tại những địa điểm này có hàm lượng tương đương trồng tại đỉnh núi Ngọc Linh”, ông Tích nhấn mạnh.
|
Cây Ngọc Linh giống một năm tuổi. Ảnh: Đắc Thành.
|
Trước các ý kiến trên, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, muốn di thực cây sâm Ngọc Linh thì Quảng Nam và các đơn vị liên quan cần có một quá trình chuẩn bị dựa trên căn cứ khoa học. “Khi làm thử mà có hiệu quả thì mới nhân rộng chứ không phải làm ồ ạt”, ông Chiến nói.