Ông Phan Hữu Thành – Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết, thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, huyện Đông Giang đã ban hành kế hoạch phát triển các nhóm sản phẩm, trong đó chủ yếu là các đặc sản, như: Chè dây Za Réh xã Tư, ớt A Riêu xã Mà Cooih, chè xanh Quyết Thắng, rượu Ka Kun và Du lịch gắn với làng nghề truyền thống Cơ Tu tại xã Sông Kôn và xã Tà Lu...
Riêng trong năm 2018 vừa qua, huyện đã hỗ trợ thực hiện 1 sản phẩm, đó là sản phẩm chè dây Za Réh của HTX Nông nghiệp xã Tư.
Năm 2018, sản phẩm chè dây Za Réh tham gia Chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam, chè dây Za Réh đã được đánh giá công nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Ảnh: CTV.
Ông Lê Duy Trường – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư (Đông Giang – Quảng Nam) cho biết, tháng 12/2017, HTX Nông nghiệp xã Tư được thành lập, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động nông nghiệp như sản xuất cây giống (keo, dược liệu); cung cấp vật tư nông nghiệp; bán buôn tổng hợp… thì HTX đã quyết định chọn sản phẩm chè dây Ra Zéh là sản phẩm chủ lực. HTX tích cực hỗ trợ các tổ viên trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây và làm đầu mối thu mua sản phẩm chè dây của tổ viên để cung cấp ra thị trường.
Bình quân các hộ trồng chè dây Za Réh sau khi trừ đi các chi phí lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm, nhiều hơn so với các loại cây trồng khác tại địa phương (như keo,..)…Ảnh: CTV.
Ông Trường cho biết thêm, hiện nay nhiều hộ dân đã liên kết với HTX để trồng và hiện chè dây Ra Zéh được tiêu thụ chính ở TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận với giá dao động trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg (chè tươi) và 90.000 đồng/kg (chè khô đã qua sơ chế). Bình quân các hộ trồng chè dây sau khi trừ đi các chi phí lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm, nhiều hơn so với các loại cây trồng khác tại địa phương (như keo,..)…
“Sản vật” núi rừng sẽ được gắn sao OCOP
“Năm 2018, sản phẩm chè dây Za Réh tham gia Chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam và được đánh giá công nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, qua đó HTX được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm sản phẩm, kết nối được với các đối tác phân phối sản phẩm, và có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng…” – Ông Trường chia sẻ.
Sản phẩm trà xanh Quyết Thắng sẽ được xây dựng thành sản phẩm OCOP vào cuối năm 2019. Ảnh: Đoàn Hồng.
Ông Hồ Quang Minh – Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, dù mới triển khai, nhưng năm 2018, Đông Giang đã có 1 sản phẩm là chè dây Za Réh được công nhận OCOP. Đây là kết quả đáng phấn khởi, góp phần giới thiệu và nâng cấp những sản phẩm mang tính đặc trưng của Đông Giang, gắn với nghề truyền thống của người dân miền núi…
Sản phẩm ớt A riêu được xem là “sản vật” núi rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đông Giang (Quảng Nam). Ảnh: Đoàn Hồng.
“Năm 2019 này, huyện Đông Giang sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm đã được công nhận OCOP (chè dây Za Réh) và đồng thời đầu tư xây dựng thêm hàng loạt các đặc sản, sản vật đặc trưng của các cơ sở, doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình, như: Sản phẩm rượu Kakun của cơ sở sản xuất Hoàng Oanh; Cơ sở sản xuất Thu Thảo, tại thị trấn Prao; Sản phẩm ớt A riêu của HTX Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih; Sản phẩm trà xanh Quyết Thắng của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Quyết Thắng…”, ông Thành chia sẻ.
Sản phẩm ớt A riêu sẽ được huyện Đông Giang xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng. Ảnh: Đoàn Hồng.
Ông Hồ Quang Minh cho hay, mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2020, 11 xã, thị trấn trên địa bàn Đông Giang có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên. Trong đó tiếp tục ưu tiên đầu tư hỗ trợ nâng cấp các sản phẩm đặc trưng lợi thế của huyện, như: Chè dây Za Réh, ớt A riêu đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh…
“Huyện sẽ tiếp tục và luôn đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp và sẽ hỗ trợ để có thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao (cấp tỉnh) trở lên; đồng thời đầu tư xây dựng các điểm bán hàng OCOP để bà con tiêu thụ các sản phẩm OCOP tốt hơn...”, ông Minh nhấn mạnh.