Gia đình ông Dương Ngọc Xinh là một trong những hộ làm phở sắn lâu năm ở thôn Thuận An, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn. Theo ông Xinh, nguyên liệu chính để làm món phở sắn chính là củ sắn hay còn gọi là khoai mì, khoai xiêm. Tuy Quế Sơn là một trong những vùng nguyên liệu sắn ở Quảng Nam nhưng hầu như người dân ở đây nhập sắn từ Gia Lai để làm phở. Bởi ở Quảng Nam sắn thu hoạch vào mùa mưa không thể phơi để lấy sắn khô, chủ yếu người dân cân sắn tươi cho nhà máy.
Bột sắn sau khi máy được ngâm nước. Thường người làm trộn bột nước vào bột khô với tỷ lệ 30% sắn tươi và 70% sắn khô. Phải mất từ 3-4 ngày ngâm bột và thường xuyên thay nước thì những thùng bột màu vàng mới dần trong nước.
Công đoạn này loại bỏ một phần axit để sợi phở không có mùi hăng, nồng. Bột ngâm xong sẽ được lọc kỹ để tách bỏ xơ sắn và những tạp chất khác. Sau khi có được thùng bột đủ tiêu chuẩn, người làm phở sẽ tiếp tục nấu bột. Bột được đánh liên tục để chín đều. Đánh bột càng chín thì phở càng trắng và bóng. Việc đánh bột là công đoạn tương đối vất vả, đòi hỏi sức khỏe và độ dẻo dai.
Trước đây, phở sắn Quế Sơn chưa có mẫu mã, bao bì bắt mắt, tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Vì vất vả, thu nhập không cao nên lao động trẻ không mấy mặn mà với công việc này. Gần đây, anh Dương Ngọc Ảnh- con trai ông Dương Ngọc Xinh với dự án phở sắn Caromi đã mở ra một hướng đi mới cho gia đình cũng như cho người dân làng nghề. Dự án của Dương Ngọc Ảnh đã đạt nhiều giải cao ở các cuộc thi khởi nghiệp và được đánh giá rất tiềm năng. Trên cơ sở này, anh đã triển khai mở rộng qui mô sản xuất vốn có cảu gia đình, đầu tư máy móc, xây dựng mẫu mã, bao bì, thuê thêm nhân công. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất của cha con anh Dương Ngọc Ảnh cho ra lò khoảng 140 kg phở với giá 50.000 đồng/ kg. Doanh thu hằng tháng khoảng 150 triệu đồng. Phở sắn mang thương hiệu Caromi đã bước chân vào các nhà hàng ở Đà Nẵng, Hội An.
Hiện nay khó khăn lớn nhất của những người làm phở sắn là không thể sản xuất phở trong mùa mưa vì không có nắng để phơi phở. Bên cạnh mở rộng cơ sở sản xuất, một hệ thống sấy phở là điều mà anh Dương Ngọc Ảnh đang nghĩ đến để phát triển kinh doanh. Nếu thực hiện được điều này, phở sắn sẽ sản xuất liên tục, đảm bảo đủ nguồn hàng để cung cấp thường xuyên cho các nhà hàng và siêu thị. Và ý tưởng về việc chế biến gia vị để tạo nên những gói phở sắn ăn liền không chỉ cung cấp trong nước mà tìm đường xuất khẩu là một kế hoạch dài hơi mà Dương Ngọc Ảnh cũng đang nghĩ đến và triển khai. Nếu thành công, những kế hoạch này sẽ góp phần đưa món ăn phở sắn truyền thống của vùng đất Quế Sơn đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn và làng nghề sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Phở sắn Quế Sơn hiện đang được bán chủ yếu ở các chợ truyền thống và các cửa hàng phân phối thực phẩm sạch trên địa bàn Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, còn có mặt trong các thực đơn của những nhà hàng nổi tiếng tại TP Đà Nẵng như Healthy Farm, ẨM Thực Xèo.
Chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ (trên địa bàn tỉnh) vừa đủ số lượng, vừa đảm bảo chất lượng là vấn đề hết sức quan trọng cho việc sản xuất phở sắn được bền vững (sản phẩm OCOP hạn chế việc sử dụng nguyên liệu ngoài tỉnh và không chấp nhận nguyên liệu nhập ngoại). Do vậy, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất là nội dung thiết yếu cho sản xuất phở sắn Xinh Hợi huyện Quế Sơn./.