Ông Trần Phước Binh (70 tuổi, thôn Lộc Thượng, Quế Hiệp, Quế Sơn) là người dân giữ giống nếp đắng rất tốt.
Phục tráng giống nếp đắng
Nếp đắng vốn là loại nếp đặc hữu được trồng rải rác trên địa bàn xã Quế Hiệp và nhiều nơi của huyện Quế Sơn ngày trước. Song tới nay, chỉ một số hộ dân thôn Lộc Đại (nay là Lộc Thượng) còn tâm huyết với việc giữ giống, trồng nếp đắng bởi đây là loại nếp khó trồng, kén đất, mẫn cảm với thời tiết. Ở Lộc Thượng chỉ còn mươi hộ còn giữ giống, nhưng giống nếp đắng trải qua thời kỳ dài được gieo trồng xen lẫn với nhiều loại nếp thường, với cây lúa, bị lai tạp do thụ phấn chéo. Để bảo tồn nguồn gen đặc hữu nếp đắng, giai đoạn 2017-2019, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn phối hợp với một số hộ dân Quế Hiệp, trong đó có ông Trần Phước Binh là hộ dân giữ giống tốt cùng nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen bản địa. Đây là mô hình xuất phát từ đề tài khoa học - công nghệ cấp huyện về phục tráng giống nếp đắng đặc sản Quế Hiệp. Tham gia mô hình, nông dân được xã hỗ trợ 100% tiền mua hạt giống, 30% tiền mua phân bón và được đội ngũ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại.
Về hình dạng, hạt nếp đắng có hình bầu dục, hạt múp míp, vàng óng, bao phủ bên ngoài bởi lớp lông tơ mỏng và cuối hạt nếp có chiếc đuôi dài màu đen rất lạ. Đến nay chẳng ai lý giải được tại sao hạt nếp ngon, dẻo thơm này lại được gọi là nếp đắng? Nếp đắng trổ đầu tháng 8 âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng 9, thời gian trổ và chín trong vòng 1 tháng. Theo Hội Nông dân xã Quế Hiệp, nếp đắng chỉ cho sản lượng cao trong vụ hè thu bằng việc bắt mạ sau 20 - 30 ngày thì nhổ mạ cấy chứ không gieo sạ như quy trình canh tác lúa. Thời gian sinh trưởng của nếp đắng là 120 ngày, cao hơn các loại giống lúa thường sử dụng ở địa phương 10 - 30 ngày. Ông Trần Phước Binh (70 tuổi), một hộ làm nếp với diện tích vài mẫu đất ruộng tại Lộc Thượng chia sẻ, cây nếp đắng cho giá trị gấp 3 - 4 lần cây lúa. Mỗi sào nếp cho 2 tạ, giá bán sỉ 30-35.000 đồng/kg sau khi bóc vỏ, giúp người trồng thu về 4 triệu đồng, trong khi cây lúa thường chỉ cho thu nhập 1,2 triệu đồng/sào. “Tôi già rồi, sức lao động không có, nhưng rất tâm huyết với việc giữ giống nếp quý. Tôi mong có đơn vị, tổ hợp tác nào đứng ra thuê đất để sản xuất nếp trên diện tích lớn, phát triển thương hiệu, sản phẩm của quê hương. Hiện nay có tình trạng hạt nếp đi trôi nổi, bị tiểu thương “phù phép” trộn nếp đắng với nếp thường để kiếm lời nhiều, làm mất uy tín, thương hiệu của đặc sản” - ông Binh nói.
Xây dựng sản phẩm rượu nếp đắng
Nếp đắng không chỉ được sử dụng để nấu xôi đậu, xôi gấc, làm bánh xoài, bánh tro mè, bánh tét tro, còn được dùng để nấu rượu cho sản phẩm rượu ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng, có vị cay nồng, đượm. Gần đây, anh Nguyễn Ngọc Huân (SN 1979, thôn Thạch Thượng, xã Quế Phong, Quế Sơn) quyết định đầu tư máy móc nấu rượu nếp đắng với giá trị cả trăm triệu đồng như nồi nấu xôi, hệ thống chưng cất rượu, hệ thống khử andehit để đa dạng sản phẩm từ nếp đắng. Anh Huân đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, chuẩn hóa quy trình nên sản phẩm ra thị trường chưa nhiều. Anh Huân cho biết, cơ sở anh đang đặt hàng một công ty ở Bình Dương đang in nhãn mác, bao bì, hoàn thiện mẫu chai thủy tinh, chai nhựa để đưa sản phẩm ra thị trường. Cơ sở anh cũng từng bước tiến tới đăng ký nhãn mác, thương hiệu, đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy trình chế biến rượu nếp đắng theo anh Huân, sau khi nếp đắng được nấu thành xôi sẽ được trộn đều với men, tiến hành ủ khô 3 ngày, 3 đêm. Sau đó vô nước để tiếp tục ủ trong 26 ngày rồi đưa qua công đoạn chưng cất cho ra loại rượu nếp đắng thơm, nồng. Khi chưng cất xong, sẽ để rượu bay hơi trong 24 giờ để giải phóng độc tố trong rượu, sau đó tiến hành bảo quản rượu bằng chum, sành trong thời gian 90 ngày. Cuối cùng khi quy trình hoàn thành mới đóng chai đưa ra thị trường. Như vậy hương vị thơm, nồng mùi nếp đắng đặc trưng sẽ được giữ lại trong rượu và lượng độc tố cũng sẽ triệt tiêu tối đa. Mỗi ngày, dây chuyền cho khả năng sản xuất gần 100 lít rượu với giá thành 60.000 đồng/lít, cho sản phẩm rượu an toàn, không nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. “Xã Quế Hiệp đang xây dựng và phát triển thương hiệu từ cây nếp đắng, cơ sở tôi sẽ gắn bó với bà con nông dân Quế Hiệp trong việc khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu nếp đắng, vốn là loại cây trồng đặc trưng được lưu giữ, bảo tồn ở địa phương này” - anh Huân nói.
Ông Trần Hữu Ninh - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, hiện cây nếp đắng đã được phục tráng thành công và từng bước nhân rộng vùng sản xuất trên địa bàn xã Quế Hiệp với diện tích lên tới 20ha trong dân, sản lượng thu được vài chục tấn nếp mỗi năm. Địa phương cũng đã xây dựng đề án nhân rộng, phát triển mô hình sản xuất nếp đắng, nhân rộng diện tích, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm nếp đắng, rượu nếp đắng tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và hướng tới đạt chuẩn OCOP trong năm 2020. Cùng với hạt nếp đắng, sản phẩm rượu nếp đắng Quế Hiệp góp phần đa dạng sản phẩm, tạo sản phẩm OCOP của tỉnh.