Chi tiết tin

A+ | A | A-

Rượu truyền thống xứ Quảng hướng tới OCOP

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 15:38 | 08/11 Lượt xem: 1670

Nhờ chú trọng xây dựng thương hiệu, chất lượng, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, các sản phẩm rượu truyền thống xứ Quảng như rượu Bàn Than - Tam Hải (Núi Thành), rượu gạo lứt Đại Lộc đã dần tiếp cận thị trường rộng và đang nỗ lực nâng tầm để đạt chuẩn OCOP.


Rượu gạo lức đại lộc
Rượu gạo lứt Đại Lộc

Đại Lộc có nhiều loại rượu truyền thống như rượu sim, rượu nếp Trà Đức… mang đậm hương vị, nét đặc trưng vùng miền. Song đến nay, chỉ mới cơ sở sản xuất rượu gạo lứt của anh Trần Đình Duyên (thôn Đông Gia, xã Đại Minh) là cơ sở sản xuất tương đối có quy mô, chú trọng đến khâu xây dựng thương hiệu, nhãn mác và sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn, dần có chỗ đứng trên thị trường. Rượu gạo lứt của cơ sở anh Trần Đình Duyên được nấu theo phương thức truyền thống, có cải tiến một số công đoạn nấu, ủ, chưng cất, lọc, khử, đóng chai, nhờ đầu tư hệ thống máy móc cải tiến và nhà xưởng lên tới 500 triệu đồng. Anh Duyên chia sẻ, dù có đầu tư cải tiến một số công đoạn nấu rượu, song cơ sở anh vẫn chú trọng giữ tính truyền thống của sản phẩm. Để rượu gạo lứt ngon thì khâu chọn nguyên liệu phải đảm bảo, phải ủ men theo phương thức truyền thống, dù rất kỳ công nhưng an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Không ít những cơ sở nấu rượu hiện sử dụng loại men không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dễ gây ngộ độc methanol và andehit. Sản phẩm rượu gạo lứt sau chưng cất được lọc và khử andehit cho nước rượu trong, ngọt thơm và không gây nhức đầu, khát nước, khô họng cho người thưởng thức. Anh Duyên hiện đã liên kết với một số hộ dân trồng gạo lứt để đảm bảo ổn định nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Hơn 2 năm có mặt, sản phẩm rượu gạo lứt của anh Trần Đình Duyên đã đến rộng rãi với người sử dụng tại Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Sản phẩm được nhiều gia đình chọn mua để thờ cúng tại bàn thờ cúng gia tiên ngày tết, cưới hỏi, giỗ chạp, được sử dụng trong tiệc tùng, sinh hoạt, góp thêm hương vị cho ngày lễ, tết. Rượu gạo lứt cao độ còn được sử dụng để ngâm các loại dược liệu như: táo mèo, đinh lăng, đảng sâm, ba kích, nho, hay ngâm các loại đặc sản quê như trái sim, chuối hột… cho hương vị dễ chịu, dễ uống và quan trọng được người tiêu dùng tin tưởng. Cơ sở sản xuất của anh Duyên hiện đã kiện toàn các công đoạn đầu tư dây chuyền, máy móc tiên tiến, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đăng ký các thủ tục quy định hiện hành và đang trên đà xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ông Lê Quang Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, xã Đại Minh đang nỗ lực xây dựng 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm ổi sạch và rượu gạo lứt Đại Minh. Đây là các sản phẩm thường xuyên góp mặt tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, được ưa chuộng rộng rãi. Tuy nhiên, sản phẩm rượu, nước uống có cồn xây dựng OCOP bước đầu gặp những khó khăn nhất định về quy định, thủ tục, các khâu kiểm định liên quan. Về phía địa phương, đang nỗ lực hỗ trợ cơ sở hoàn thiện các công đoạn, thủ tục pháp lý cũng như các chứng nhận có liên quan trong khả năng của mình.


Rượu Bàn Than

Từ ý tưởng “khoác áo mới” cho rượu Bàn Than, đặc sản Tam Hải, anh Nguyễn Phạm Ngọc Thạch (Thuận An, Tam Hải) đã học hỏi kinh nghiệm nấu rượu truyền thống của cư dân trên đảo và mạnh dạn góp vốn cùng một số thành viên đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất rượu, nâng chất lượng rượu gạo truyền thống, từng bước đưa đặc sản xứ đảo vươn xa trên thị trường. “Rượu Bàn Than” được nấu từ giống gạo thơm (xã Tam Mỹ Đông) hòa quyện với nguồn nước trong vắt, ngọt ngon của nước giếng cổ 500-600 năm tuổi ở Tam Hải, cho ra đời loại rượu có hương vị ngọt, cay, nồng đượm chứ không có vị và hậu gắt như những loại rượu được nấu men trôi nổi khác.

Để rượu thơm ngon mà an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, anh Thạch còn đầu tư hệ thống lọc, khử andehit, giúp lọc và loại bỏ bớt những độc tố trong rượu. Cơ sở sản xuất anh Thạch chú trọng đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất với nồi nấu cơm bằng, tủ nấu cơm bằng điện, hệ thống lên men, hệ thống chưng cất, hệ thống lọc và khử andehit, mẫu mã chai thủy tinh và chưa nhựa, máy đóng nút chai... Anh Thạch còn phối hợp với VNPT Quảng Nam xây dựng tem nhãn, mã vạch, hướng tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm từng lô rượu. Song, bước đầu việc dán tem còn khó khăn do còn nhiều chi tiết phải chỉnh sửa, bổ sung thêm. Tổng giá trị đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng của cơ sở anh Thạch đã lên tới 400-500 triệu đồng. Anh Thạch còn tính hướng mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư quầy trưng bày sản phẩm tại các khu vực có đông đúc dân cư để quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn.

Theo anh Thạch, việc nấu rượu bằng điện giúp cơ sở tiết kiệm khoảng 30% sản lượng điện so với hệ thống bình thường bởi có thể tận dụng nước nóng sau khi nấu rượu để nấu cơm, có thể áp dụng với những cơ sở có diện tích nhỏ và vừa, lại đảm bảo sạch sẽ khu vực sản xuất. “Nhờ sử dụng men rõ nguồn gốc xuất xứ, khử được andehit là chất gây ngộ độc mà rượu tôi nấu bà con khen ngon hơn, chuộng hơn, sản phẩm từng bước tiếp cận một vài siêu thị nhỏ, bên cạnh bán sỉ lẻ” - anh Thạch chia sẻ. HTX Thuận An - Tam Hải cũng vừa ra đời, do anh Thạch làm Giám đốc HTX. Mỗi tháng, HTX cung ứng hàng trăm lít rượu gạo, sản phẩm đóng chai thủy tinh, chai nhựa có dán tem, nhãn mác, xuất xứ. Giá cung ứng sỉ là 30-34.000 đồng/chai/lít rượu đóng chai có đủ tem, nhãn. Sản phẩm rượu Bàn Than của HTX Thuận An còn được xã Tam Hải và huyện Núi Thành chọn tham gia quảng bá thương hiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh và đang hoàn thiện các thủ tục để hướng tới đạt chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.


Tác giả: Bích Liên

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: