Chi tiết tin

A+ | A | A-

Rượu ba kích và rượu đẳng sâm đặc hữu Tây Giang

Người đăng: BCVT Phòng Ngày đăng: 8:38 | 03/12 Lượt xem: 1822

Tây Giang là “thủ phủ” của cây đẳng sâm và ba kích tím. Nguồn dược liệu quý này được người bản địa sử dụng để ngâm rượu, dùng trong ăn uống, sinh hoạt hay hay việc hội họp làng. Tuy nhiên, để cho ra đời sản phẩm rượu ba kích và đẳng sâm đặc trưng với quy trình sản xuất từng bước chuẩn hóa, đóng chai đưa vào các đại lý, cửa hàng kinh doanh thì chỉ có Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Chính Châu (ba kích tím) và Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Đức Huy (đẳng sâm).


Ba kích tím Tây giang

Rượu ba kích tím

Nhiều năm qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Chính Châu đã thu mua nguyên liệu ba kích tím để ngâm rượu, chiết xuất rượu, đóng chai, đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo quy trình, củ ba kích tím được thu hái từ rừng tự nhiên, đưa vào máy rửa sạch, phân loại, loại bỏ tạp chất, đưa vào máy sấy và bỏ vào bình ngâm với rượu trắng. Rượu ngâm ba kích được nấu từ gạo lúa rẫy, ủ men bằng phương pháp truyền thống, sau đó đưa vào máy lọc để lọc tạp chất, khử độc tố, andehit, metanol. Rượu ba kích ngâm như một thức uống có cồn đặc trưng, đã theo người vùng cao đi nhiều nơi và là sản phẩm được người vùng cao sử dụng nhiều để đãi khách quý. Đối với khách du lịch đến với vùng cao, ban đêm, khi trời chớm lạnh, bên ánh lửa, bên tiếng cồng chiêng và điệu múa tung tung da dá, nhấp và thưởng thức hương vị cay cay, nồng đượm của rượu ba kích, nghe rất ý vị.

Để phát triển đặc sản bản địa này, năm 2014, Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Chính Châu được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) và Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) hỗ trợ phát triển nghề chế biến rượu. Nhóm hộ được phân công nhiệm vụ, 1 hộ chuyên nấu rượu, 1 hộ thu mua dược liệu. Cơ sở Chính Châu được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất rượu, nhãn mác, thương hiệu, bao bì sản phẩm. Huyện Tây Giang hỗ trợ về máy lọc rượu, máy đóng nút chai, máy ghi ngày sản xuất… Nhóm hộ đầu tư mua thêm máy rửa đẳng sâm, ba kích, máy hút chân không… Dần dần, nhóm hộ tiếp tục trang bị thêm nhiều vật dụng, máy móc như nồi nấu rượu bằng điện 500l, 2 tủ nấu cơm điện, máy lọc rượu, máy chiết xuất rượu, đóng nắp chai, với tổng giá trị đến nay đã gần 500 triệu đồng.


Rượu Ba kích Tây Giang
Sản phẩm “Rượu ba kích” chiết xuất từ củ ba kích dạng đóng chai sương mù có thể tích 500-650ml mang thương hiệu Chính Châu đã có mặt trên thị trường từ năm 2015, bên cạnh dòng rượu ngâm củ ba kích. “Củ ba kích ngâm rượu, chiết xuất rượu phải là ba kích tươi, đạt tuổi thu hoạch chúng tôi mới thu mua. Chúng tôi đang hướng tới đa dạng thêm sản phẩm rượu ba kích và xây dựng thêm một số sản phẩm từ ba kích trong thời gian tới. Hiện cơ sở có 4 sản phẩm rượu ba kích gồm: bình rượu ngâm ba kích củ 5 lít, bình rượu ngâm thủy tinh có vòi 6 lít, chai rượu ba kích thủy tinh sương mù có thể tích 500ml và 650ml. Riêng sản phẩm rượu ba kích đóng chai thể tích 650ml chúng tôi đã đăng ký tham gia chương trình OCOP 2019. Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tư vấn, chúng tôi đã nỗ lực thay đổi mẫu mã, hình dạng, kích thước chai rượu, tích cực hoàn thiện các thủ tục liên quan” - anh Chính nói.

Rượu đẳng sâm                                      

Sản phẩm rượu đẳng sâm Tây Giang của cơ sở sản xuất rượu Đức Huy có mặt trên thị trường nhiều năm và đã tham gia thí điểm chương trình OCOP năm 2018 của tỉnh. Năm 2019, sản phẩm tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Rượu đẳng sâm được sản xuất theo quy trình khép kín, đẳng sâm phải chọn củ già, đạt trọng lượng 7 củ/kg, củ tươi qua sơ chế, đưa vào máy rửa sạch, tiếp tục đưa vào máy sấy cho khô, đưa vào thiết bị ngâm rượu là chum vại lớn. Theo anh Hà Đức Sơn, thành viên Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Đức Huy, để rượu ngon, phải ngâm trong chum vại ít nhất 6 tháng để không còn độ hăng của củ tươi, song thường thì ngâm 1-2 năm trở lên mới chiết hết các hoạt chất của đẳng sâm. Rượu ngâm là rượu gạo lúa rẫy, lên men truyền thống, lọc và khử andehit, loại bỏ độc tố. Rượu đẳng sâm sau ngâm được chiết ra tiếp tục đưa qua máy lọc dịch chiết lần 1, lần 2, loại bỏ cặn, rồi đóng chai, gắn nhãn mác, đóng hộp, công bố tiêu chuẩn, đưa đi tiêu thụ. Củ đẳng sâm để ngâm rượu là đẳng sâm được trồng trên độ cao 1.000m so với mực nước biển, vùng khí hậu lạnh, mát mẻ ở 4 xã vùng cao Tây Giang. Cần phân biệt với đẳng sâm và một số dược liệu được bán tràn lan, trôi nổi có xuất xứ Trung Quốc không đảm bảo độ tin cậy.


Rượu đẳng sâm Tây Giang
Chị Phạm Thị Lài - chủ cơ sở cho hay, đẳng sâm là loài dược liệu quý, gắn bó với đồng bào Cơ tu ở Tây Giang. Theo nghiên cứu y dược hiện đại, đẳng sâm chứa nhiều saponin, acid amin, glycosid scutellarin, đường,… rất tốt cho cơ thể, giúp phục hồi sinh lực, giải tỏa stress, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch. “Rượu đẳng sâm từ 100% chất đẳng sâm nhiều năm qua đã được người tiêu dùng đón nhận vì những dược tính trên, an toàn với sức khỏe người dùng. Sản phẩm 6 tháng được Sở Y tế kiểm định 1 lần. Tuy nhiên do địa bàn Tây Giang xa xôi, việc tiêu thụ, vận chuyển đi các nơi gặp khó, việc xây dựng chuỗi kinh doanh chưa mạnh. Sản phẩm đã vào các thị trường tiêu thụ nội địa trong tỉnh, TP. Đà Nẵng, song sức tiêu thụ chưa mạnh. Hy vọng, sau khi trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm sẽ có cơ hội vào các kênh tiêu thụ hiện đại ở khắp cả nước” - chị Lài chia sẻ.

Với đặc trưng về thế mạnh của 2 sản phẩm đặc hữu ba kích, đẳng sâm của vùng cao xứ Quảng, những nỗ lực và tâm huyết của các chủ thể, của huyện Tây Giang trong đầu tư, phát triển thương hiệu rượu ba kích, rượu đẳng sâm và các sản phẩm đặc hữu khác, trong tương lai gần, cơ hội đưa sản phẩm bản địa vươn xa ra thị trường truyền thống lẫn hiện đại là rất lớn.


Tác giả: Bích Liên

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: