Hương vị của núi rừng
Thương hiệu “Rượu lúa rẫy Bắc Trà My - Thái Hòa” chính thức vươn ra thị trường lớn trong vòng 3 năm trở lại đây. Chủ cơ sở sản xuất rượu là bà Phạm Thị Tám (thôn 1, xã Trà Tân, Bắc Trà My), người đã chục năm có kinh nghiệm nấu rượu truyền thống, mỗi ngày bà sản xuất 20kg gạo, chủ yếu bỏ mối cho các đại lý, quán ăn trên địa bàn huyện. Về sau, bà Tám nung nấu ý tưởng sản xuất loại rượu sạch dựa trên nguyên liệu là nguồn gạo lúa rẫy của người dân vùng Trà My. Bà Tám chia sẻ: “Từ các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy, người dân mình lâu nay tiêu thụ lượng rất lớn các loại rượu nấu trôi nổi, sử dụng nguyên liệu không an toàn, quy trình nấu rượu không đảm bảo, nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra cũng từ đó. Sẵn có nghề trong tay, tôi muốn tạo ra loại rượu sạch để bà con mình sử dụng nhưng phải lấy chính hạt lúa rẫy của đồng bào vùng Trà My làm ra để nấu thì mới ngon được”. Mẻ rượu thử nghiệm đầu tiên được nấu từ chính những hạt lúa rẫy đỏ lừ ra đời, bà Tám nhận được nhiều lời khen và góp ý, động viên của người dân lân cận và người tiêu dùng.
Rượu lúa rẫy Bắc Trà My - Thái Hòa
Năm 2016, từ nguồn khuyến công, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Bắc Trà My hỗ trợ cơ sở bà Tám 1 máy lọc rượu, 1 máy đóng nắp chai và dụng cụ nấu rượu, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho chủ cơ sở sản xuất và hỗ trợ quảng bá sản phẩm với tên gọi là “Rượu gạo lúa rẫy Thái Hòa”. Rượu được nấu từ gạo lúa rẫy bản địa khá an toàn, cho hương vị nồng đượm, thơm lừng, khi uống hậu có vị ngọt chứ không gắt bởi sử dụng men truyền thống, qua lọc kỹ và khử các chất dễ gây ngộ độc, loại bỏ tinh bột nên chất rượu trong, không gây khát nước, rát họng, đau đầu. Rượu Thái Hòa đã vượt khỏi phạm vi làng xã, có mặt tại hơn 10 đại lý, cửa hàng tạp hóa lớn của huyện Bắc Trà My, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền. Sản phẩm được đóng chai thủy tinh hoặc can nhựa để đưa ra thị trường với giá 40.000 đồng/chai 500ml, 115.000 đồng/can 5 lít. “Rượu của tôi có mặt trên thị trường chừng 4 năm trở lại đây nhưng người dân rất ưa chuộng. Ai ở gần thì tới tận nhà để lấy, còn ở xa thì đã có đại lý, cửa hàng ở trung tâm huyện. Tôi cũng gửi qua bưu điện, hay với những chỗ đặt nhiều thì tôi cho xe vận tải nhỏ chở tới tận nơi theo yêu cầu” - bà Tám chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Thống (35 tuổi), con trai bà Tám cho biết, bình quân cơ sở Thái Hòa tiêu thụ 150-200 lít rượu mỗi ngày. Để có đủ lượng hàng như trên, lượng sản xuất thực tế phải nhiều hơn, phải nấu 120kg gạo/ngày. Với ngần ấy công việc, không chỉ trưng dụng 4 lao động trong nhà, cơ sở Thái Hòa phải thuê thêm lao động phụ… Rượu gạo lúa rẫy phải trải qua các công đoạn sản xuất gồm: nấu cơm, để nguội, vô men truyền thống, nấu rượu, đưa lên bồn lọc, khử rồi để nguội, đóng chai, gắn tem nhãn… Để rượu thơm ngon, hương vị đượm hơn, rượu nấu xong không đóng chai liền mà phải qua lọc, để nguội, trữ ở bồn chứa một thời gian rồi mới đóng chai, can nhựa đưa ra thị trường.
Hơn 3 năm qua, hương rượu lúa rẫy đã gắn liền với đời sống người dân vùng Trà My qua các buổi tế lễ, tiệc làng, các ngày lễ tết của đồng bào. Rượu lúa rẫy cũng được nhiều hàng quán, nhà hàng lớn nhỏ sử dụng, nhiều gia đình mua để ngâm dược liệu dùng và đãi khách. Hương rượu lúa rẫy vang danh khắp vùng Trà My, đến tận Tam Kỳ, Đà Nẵng, Sài Gòn… đi theo những chuyến hàng, chuyến xe về xuôi, đi các nẻo, mang hương vị, chất men say của núi rừng. Bà Tám cho biết, nhiều mối quen ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, Sài Gòn, chỉ cần gọi điện đặt hàng, chuyển khoản là bà giao hàng tới tận nơi. Hiện, cơ sở bà đang sản xuất 1.000 lít rượu cho một công ty chuyên về ngâm rượu, ngâm dược liệu phục vụ thị trường tết nên phải nấu ngày, nấu đêm mới kịp. Nhu cầu sử dụng rượu lúa rẫy để uống, để ngâm các dược liệu, các bài thuốc dân gian tăng cao so với trước rất nhiều, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Nâng hạng “sao” đặc sản
Rượu lúa rẫy Bắc Trà My - Thái Hòa
Năm 2018, rượu lúa rẫy Bắc Trà My - Thái Hòa đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh, được xếp hạng 3 sao. Sản phẩm được trao giải C cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019. Năm 2019 này, rượu lúa rẫy của cơ sở sản xuất Thái Hòa tiếp tục dự thi nâng thứ hạng sao. Hằng tháng, các đơn vị, ban ngành của huyện Bắc Trà My đã tăng cường công tác kiểm tra, test mẫu, bên cạnh đó, thường xuyên nhắc nhở, hỗ trợ cơ sở những điều kiện thiết yếu để tiếp tục đưa sản phẩm nâng hạng sao. Bà Tám cho biết: “Có được thương hiệu mạnh như hiện nay, tôi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của huyện. Bản thân tôi cũng ý thức việc giữ thương hiệu, chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, xây dựng thương hiệu vốn không dễ, giữ được lại càng khó. Vì vậy, các công đoạn quan trọng tôi đều đảm nhận hoặc giao cho con cái làm mới yên tâm được. Tôi không muốn mở rộng quy mô sản xuất là vậy. Tôi muốn giữ cái đặc trưng của núi rừng, thay vì sản xuất ồ ạt để rồi khó quản lý, kiểm soát khiến chất lượng giảm đi, chưa kể nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng loạt cũng đáng lo”.
Bà Tám chia sẻ, bí quyết nấu rượu ngon, dựa vào kinh nghiệm, tay nghề, sự tỉ mỉ, cẩn trọng của từng người. Có khi cùng một công thức nấu rượu nhưng có người nấu ngon, có người chưa đạt. Trên địa bàn huyện có tới 3 cơ sở nấu rượu, 2 cơ sở đã sử dụng nồi nấu rượu bằng điện rồi, nhưng cơ sở Thái Hòa cố gắng giữ lại 3 lò nấu rượu bằng củi, trấu để giữ lại hương vị riêng của gạo, thơm ngon, nồng đượm của men rừng.
Ông Nguyễn Hữu Sự - Phó phòng phụ trách Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Bắc Trà My cho biết, rượu lúa rẫy được sản xuất từ nguyên liệu gạo lúa rẫy an toàn, quy trình sản xuất thủ công, men ủ tự nhiên và tinh lọc, khử sạch các chất nguy hại. Chủ cơ sở tuân thủ thực hiện đúng theo quy trình sản xuất dưới sự giám sát chặt chẽ của bộ phận chức năng địa phương nên sản phẩm rượu tại đây được tin tưởng và người dùng rất ưa chuộng. Xã Trà Tân và huyện đã nỗ lực hỗ trợ đơn vị sản xuất xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền.