Sản phẩm đặc trưng bản địa
Vùng quê bán sơn địa Tiên Phước trồng khá nhiều cây chuối mốc (còn gọi là chuối nai) khi chín thơm ngon, vị ngọt thanh, chuối chín đến độ sẽ có nhiều mật, nếu lột vỏ làm chuối ép thì ngon tuyệt. Chuối để ép, sấy khô phải là chuối già, càng già chuối càng cho nhiều mật, hương vị càng đậm đà. Quả chuối chín vỏ rất mỏng, chỉ cần bóc nhẹ vỏ, đem phơi nắng sơ hoặc xông trên lò, sau đó lăn đều cho trái chuối ra mật và dùng dụng cụ cán mỏng quả chuối, tiếp tục sấy trở lại. Để chuối ép ngon, phải rang mè chín, sau đó rắc mè lên miếng chuối ép, tiếp tục xông hoặc sấy khô trên lửa, sẽ cho món chuối ép thơm lừng, dẻo ngọt, đẹp mắt. Từ món ăn dân dã của bà, của mẹ, chị Võ Thị Ánh đã nghĩ ra cách biến những buồng chuối vàng ươm của quê mình thành đặc sản quê hương, đưa đi khắp mọi miền.
Chị Võ Thị Ánh với mẻ chuối ép sấy sắp ra lò
Món chuối mốc ép sấy của chị Ánh cũng dựa trên cách chế biến truyền thống của các bà, các mẹ, song đặc biệt ở chỗ là những miếng chuối ép sấy của chị Ánh vàng ươm màu vàng của mật chuối, vừa mềm dẻo, vừa có độ dai, khô ráo, thơm phức. Khi ăn, từng miếng chuối mềm dẻo tan chảy, mang hương vị của mè, của gừng, khiến người ăn không có cảm giác ngấy (ớn). Những miếng chuối sau khi sấy khô suốt 20 giờ đồng hồ, được đem ra khỏi vỉ, để nguội, rồi xếp vào bao dày, gắn nhãn mác, hút chân không, đưa đi tiêu thụ. Tất nhiên, để chuối ép sấy khô có hương vị đặc trưng biệt mà không phải ai cũng làm được, chị Ánh đã vất vả suy nghĩ, tìm kiếm trên các phương tiện internet thiết bị, máy móc phù hợp để nâng chất lượng sản phẩm. Đầu tiên là chị tìm được loại máy cán chuối chín, giúp cán mỏng trái chuối dẹt và đều, đẹp mắt. Sau đó, chị Ánh tiếp tục đặt hàng đối tác ở ngoài Bắc 2 máy sấy chuối với nhiều vỉ nhỏ bên trong, giúp chị có thể dễ dàng xếp những miếng chuối vào vỉ thuận lợi, chuối được sấy chín đều, sạch sẽ hơn so với sấy bằng than. “Ngày trước, các bà, các mẹ giỏi lắm chỉ ép vài nải chuối tới 1 buồng chuối mốc rồi sấy để dành ăn cho cả nhà. Các công đoạn đều làm tay, thủ công nên rất nhọc nhằn, phải phơi sấy dưới ánh mặt trời, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn. Hay như khi trời mưa, phải sấy chuối hoàn toàn bằng than củi, nguy cơ độc hại từ than đá gây ra rất lớn nên tôi nghĩ cách sử dụng máy sấy bằng điện, cho sản phẩm đẹp mắt, sạch sẽ, khô đều, an toàn. Cũng may là tôi đã kết nối và tìm được đối tác lắp máy, thiết bị có chất lượng, uy tín nên mọi việc trơn tru” - chị Ánh kể.
Hiện, chị Ánh đã tậu được 3 lò sấy, tương đương mỗi mẻ chuối sấy ra lò chừng 15kg/3 lò. Cứ mỗi mẻ chuối sau khi cán ép xong, đưa vào lò sấy liên tục suốt 10 tiếng (cứ 5 tiếng đảo đều chuối 1 lần), rồi lấy ra, ép sơ miếng chuối lại cho tròn vành, rắc gia vị gồm mè, gừng, tiếp tục xếp vào tủ sấy liên tục suốt 10 giờ đồng hồ cho tới khi chuối chín hẳn, có mùi thơm đặc trưng. Bình quân mỗi ngày, chị Ánh cho ra lò đều đặn hơn 10kg chuối sấy, cao điểm 20-30kg (55-60.000 đồng/bịch). Sản phẩm không dùng chất bảo quản, có thể để trên 3 tháng hoặc lâu hơn. “Cũng nhiều người làm theo tôi rồi nhưng không đạt, không được khách hàng chuộng bằng. Tôi cũng có giúp đỡ 3 cơ sở lắp đặt máy và thiết bị để làm chuối sấy. Tâm lý du khách đến làng cổ rất muốn có gì đặc trưng để làm quà lưu niệm, vừa hợp túi tiền, vừa dễ xách nên tôi cố gắng tạo sản phẩm vừa ngon, vừa an toàn, đẹp mắt để quảng bá đặc sản quê hương. Họ ăn thử thấy ngon rồi quay lại đặt hàng cũng nhiều, tôi chỉ việc giao hàng qua xe khách, qua bưu điện hoặc gần thì tôi giao tới tận nhà” - chị Ánh nói.
Nỗ lực giữ thương hiệu
Thương hiệu chuối ép sấy khô của chị Võ Thị Ánh đã nổi tiếng khắp làng cổ Lộc Yên và xứ Tiên, còn được nhiều nơi biết tiếng. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, bất cứ khi nào người dân hoặc thương lái gom đủ chuối mốc trái to, già, đẹp, chị sẵn sàng tiêu thụ hết. Mỗi lần chị nhập cả xe chuối già, có trọng lượng hàng tấn, để chế biến dần. “Đã quen mối rồi, chỉ vài cuộc điện thoại, tiểu thương, nông dân đã tập kết chuối đến tận nhà. Làm ăn lâu năm, cơ sở tôi tiêu thụ được rất nhiều chuối, giúp bà con nơi đây có đầu ra ổn định nên cái gì ngon họ để cho tôi hết. Tôi cũng cố gắng giữ họ và họ cũng cố gắng giữ tôi. Thấy trái cây, nông sản bà con mình làm ra không phải bỏ đống, chờ giải cứu, mà có đầu ra ổn định là tôi mừng. Ngày trước, chuối ở đây được trồng nhiều nhưng bán không được mấy, chừ thì giá trị và thu nhập từ cây chuối mốc cũng khá” - chị Ánh nói.
Chuối ép sấy đã trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của làng cổ Lộc Yên
Các công đoạn sơ chế, cán chuối, sấy dù có thiết bị giúp đỡ một phần lớn, nhưng vì kỹ tính, chị Ánh luôn theo sát từng mẻ chuối, nên không ngơi nghỉ, rảnh tay được. Có nhiều hôm lượng đặt hàng nhiều, để kịp hàng giao cho khách ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Huế… chị Ánh phải thức tới 2-3 giờ sáng, khi các con say ngủ. “Ngày hội du lịch xứ Tiên vừa rồi tôi trưng bày và bán hết 100kg chuối sấy chỉ trong buổi sáng, làm không kịp để bán. Tôi mới nhận được đơn hàng người ta yêu cầu tôi giao tới 100kg chuối ép sấy khô cho khách và siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Với lượng hàng đó, tôi phải hoàn thành trong vòng 4 ngày mới kịp giao. Vốn kỹ tính, phải tự tay mình làm tôi mới ưng ý” - chị Ánh chia sẻ. Không chỉ với chuối mốc, có máy cán ép, có máy sấy, lại giỏi về nữ công gia chánh, chị Ánh còn có thể làm được các món sấy từ trái cây và nông sản xứ Tiên như mít chín, dừa khô, khoai lang… “Hễ rảnh là tôi sấy mít, sấy dừa, khoai để có thêm sản phẩm cho khách mỗi khi ghé cơ sở tôi. Nhưng vì không đảm đương nổi nên tôi chỉ chú trọng tới mặt hàng chuối sấy. Hiện, nhiều loại thực phẩm trên thị trường sử dụng phẩm màu, chất bảo quản, không an toàn với người dùng nên tôi tạo màu từ những loại trái, lá cây địa phương, an toàn với con người. Tôi luôn nhắc mình phải làm đúng với lương tâm, phải giữ được những sắc màu từ thiên nhiên. Chất lượng, thương hiệu phải giữ cho bằng được” - chị Ánh tâm sự. Đó cũng là lý do mà chị Ánh đã thẳng thừng từ chối khi một cơ sở ở Đà Nẵng thiết kế sẵn mẫu mã, bao bì và yêu cầu chị sản xuất, đóng gói sản phẩm theo yêu cầu, tất nhiên thương hiệu thuộc về họ, chỉ có xuất xứ từ làng cổ Lộc Yên...