|
Cây mía mưng được chọn làm sản phẩm OCOP của xã Trà Giang trong năm 2020. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Hiệu quả cao
Cây mía mưng có vỏ tím, ruột trắng, ăn ngọt, mềm, là cây trồng được người dân Trà Giang đưa về từ vùng đất Thanh Hóa. Ban đầu, một số hộ dân sinh sống tại thôn 2, thôn 6, xã Trà Giang chỉ đem mía trồng thử nghiệm trên các bãi đất màu mỡ, phù sa ven sông, suối.
Qua mấy mùa mía, cây có khả năng chịu ngập úng, cho sản lượng và giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng các loại rau màu và cây keo ở vùng Trà Giang. Thấy hiệu quả, người dân đã từng bước nhân rộng vùng trồng ra hàng chục héc ta ven sông, suối. Vùng trồng mía rộng hơn 10ha của thôn 2 (sáp nhập từ thôn 2 và 6) có mười mấy hộ canh tác cây mía.
Một trong số hộ trồng nhiều là ông Vũ Thế Việt - bà Trương Thị Tuân với 1,5ha mía. Ông Việt chia sẻ, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhân công, mỗi héc ta mía cho lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. Giá trị từ trồng mỗi héc ta mía mưng cao gấp 5 lần so với trồng mỗi héc ta cây keo, nhưng chỉ mất 10 tháng từ khi trồng tới thu hoạch, còn keo thì mất 4 - 5 năm.
Cây mía mưng Trà Giang đã có mặt ở vùng này chừng 10 năm trở lại nhưng được trồng nhiều cả chục héc ta thì chỉ khoảng từ 5 năm trở lại đây. Mùa nắng, thương lái trên vùng Trà My và Tiên Phước, Tam Kỳ, Đà Nẵng… đưa xe tới thu mua tại ruộng có giá bán 12 - 15.000 đồng/cây (giá thị trường 25.000 đồng/cây).
“Các tháng mùa hè không có mía để bán, người ta đánh xe tới tận rẫy chặt mía và chở đi, tiền bán mía có ngày đạt cả chục triệu đồng. Những tháng mưa mỗi ngày rẫy nhà tôi bán ra 1 xe ba gác mía kiếm được vài trăm nghìn đồng. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, chúng tôi có được cơ ngơi như ngày nay cũng nhờ rẫy mía” - bà Tuân tâm sự. Tại thôn 6 cũ (nay là thôn 2), xã Trà Giang, các hộ Đinh Trọng Nhất, Đinh Trọng Tình và Trịnh Văn Bằng là những người tiên phong đưa giống mía tím vào trồng và nhân giống, đã sở hữu những rẫy mía từ 1 - 2ha.
Ông Đoàn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Trà Giang chia sẻ, diện tích trồng mía tím của xã hiện trên 10ha, với mười mấy hộ trồng, trong đó hộ trồng nhiều nhất từ 1 - 2ha như các hộ đã nhắc trên. Xã khuyến khích người dân phát triển thêm một số héc ta ở thôn 4 (cũ) của xã để nâng hiệu quả kinh tế, tuy nhiên việc nhân rộng khó khăn vì giống mía khan hiếm.
Xây dựng thương hiệu
Tổ hợp tác trồng mía tím xã Trà Giang vừa được thành lập với 7 thành viên, trong đó có các hạt nhân trồng mía lâu năm gồm: Đinh Trọng Nhất, Đinh Trọng Tình và Trịnh Văn Bằng... Hộ ông Vũ Thế Việt và một số hộ được khuyến khích tham gia tổ hợp tác sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều thành viên đang tính tới việc đăng ký thương hiệu, tạo sản phẩm mía được róc vỏ, thái khúc nhỏ, đóng bao hoặc hộp hút chân không, gắn nhãn mác, đưa vào siêu thị tiêu thụ. Mục tiêu tạo thêm một số sản phẩm, góp phần đa dạng thị trường, nâng giá trị từ cây mía.
Ông Nguyễn Trọng Dược - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My chia sẻ, ngày trước, cây mía trồng ra chủ yếu bán lẻ ở địa bàn huyện, nay nhờ vươn ra được nhiều nơi, đầu ra cơ bản ổn định. Người trồng mía hiện nay vẫn còn tự phát, cây mía chủ yếu bán lẻ, chưa tạo chuỗi liên kết, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và chưa đa dạng sản phẩm.
Xã Trà Giang cũng đã chọn cây mía tím để xây dựng thương hiệu sản phẩm bản địa. Theo ông Đoàn Ngọc Minh, xã khuyến khích người trồng mía cần liên kết tạo chuỗi giá trị, không chỉ bán lẻ mía cây mà cần chế biến kỹ, đầu tư máy róc vỏ mía, máy thái mía thành khúc nhỏ, đầu tư bao bì, hộp đạt chuẩn, gắn nhãn mác để đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng sạch. Đó cũng là cơ sở tạo sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong năm 2020, song còn nhiều khó khăn trong thực hiện.