Sản phẩm bánh tráng Phú Triêm, xã Điện Phương được thị trường ưa chuộng
Các thôn Triêm Trung, Triêm Đông của xã Điện Phương hiện còn khoảng vài chục hộ tráng bánh với các loại bánh tráng nhúng (cuốn), bánh tráng đa, bánh nướng để bỏ mối sỉ lẻ cho nhà hàng, cơ sở ăn uống, tạp hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân. Đặc biệt, dịp tết, nhu cầu lượng bánh tráng tại các cơ sở sản xuất cao gấp 3-5 lần ngày thường. Để đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng, các cơ sở phải nổi lửa tráng đêm ngày. Bánh tráng cuốn Phú Triêm có màu trắng đục của bột gạo thì bánh tráng đa, bánh tráng nướng lại có màu vàng nhạt vì ngoài bột gạo lại có thêm mè trắng, mè đen và ít đường bát thắng. Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Triêm Trung) - người có thâm niên 20 năm tráng bánh ở làng nghề cho biết, thị trường bánh hiện chạy rất mạnh, không chỉ tiêu thụ tại chỗ mà chủ yếu cung cấp cho Đà Nẵng, Hội An. Mỗi vỉ (ràng) bánh nướng mỏng 13 cái có giá 15.000 đồng, nhưng khi ra thị trường được bán với giá 40.000 đồng, riêng với loại bánh nướng dày hơn thì giá cao hơn. Mỗi ngày bà Nga tráng được 50 ràng bánh (13 cái/ràng), tương đương hơn 600 cái bánh. Những tháng cao điểm, bà Nga tráng được 1.500 ràng bánh, song vẫn không đủ để cung ứng thị trường. Dịp tết, cơ sở tráng bánh của bà Nga và nhiều cơ sở ở làng nghề phải hoạt động đêm ngày mới đủ hàng bỏ mối cho khách.
Do nhu cầu thị trường bánh tráng tăng cao, gần đây, một số cơ sở tráng bánh tại làng nghề đã sử dụng máy để máy bột, sử dụng máy tráng bánh bán tự động để cải tiến sản xuất, tiết kiệm nhân công và cho sản phẩm đều, đẹp, số lượng nhiều, Nhưng tại làng nghề, vẫn còn nhiều cơ sở tráng bánh như bà Nga là còn giữ cách thức tráng bánh thủ công, sử dụng lò tráng củi, tráng bánh bằng tay, chỉ sử dụng duy nhất máy cơ để xay bột. Hiện nay, ngoài việc sản xuất các loại bánh truyền thống là loại bánh tròn to, người dân còn sản xuất thêm các loại bánh nhỏ, bánh gạo lứt, bánh lề, đều được làm thủ công.
Được biết, nghề tráng bánh Phú Triêm được người dân Điện Phương phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20. Đi tiên phong trong nghề này là các bà Nuôi, bà Lương, bà Ký, bà Liêu... Cứ thế, nghề bánh tráng Phú Triêm phát triển cho đến tận ngày nay, tập trung chủ yếu ở các thôn Triêm Đông, Triêm Trung. Nguyên liệu để tráng bánh là gạo có hàm lượng tinh bột cao như 13/2, Xi23, Q5... được người dân sản xuất tại địa phương và thu mua ở vùng lân cận.
Theo quy trình sản xuất, để bánh ngon thì phải chọn gạo ngon, có nhiều tinh bột, gạo phải được ngâm từ 2 - 3 tiếng đồng hồ và vuốt sạch qua nhiều nước, đưa vào máy xay mịn thành bột, cho thêm ít muối, bột lọc để bánh cuốn có độ dẻo, mịn và dòng bánh cuốn được người dân nơi đây tráng rất mỏng, có màu trắng đục của tinh bột. Ngoài bánh tráng cuốn, Phú Triêm còn có bánh tráng mè, bánh tráng đường, nghĩa là cũng với bột gạo đã xay mịn, cho thêm nguyên liệu đường, mè để bánh vàng, đẹp mắt hơn. Các công đoạn sản xuất bánh không sử dụng chất hóa học nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Để làng nghề phát triển bền vững và hướng tới đưa sản phẩm bánh tráng Phú Triêm trở thành sản phẩm OCOP, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các hộ trong làng nghề liên kết nhau thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh tráng Phú Triêm do bà Lê Thị Đi làm tổ trưởng với 16 hộ tham gia. Bà Đi cho biết, đầu năm 2017, làng nghề truyền thống bánh tráng Phú Triêm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đây, bà con càng ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát triển thương hiệu làng nghề. Nhiều hộ đưa sản phẩm ra thị trường đã đóng bao, dán nhãn tập thể, địa chỉ, số điện thoại cơ sở sản xuất lên bao bì sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, Điện Phương có 170 hộ dân tham gia tráng bánh, bình quân mỗi hộ tráng được 20kg bánh/ngày. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho các đầu mối lớn để cung cấp cho những nhà hàng, đại lý ở các huyện lân cận và TP.Đà Nẵng, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Điện Phương hiện đã thành lập được tổ hợp tác tráng bánh Phú Triêm, do 25 hộ tham gia với mục đích hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập tổ hợp tác cũng giúp người dân có cơ hội tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu tiên khác… của nhà nước. Thị xã cũng đã hỗ trợ các hộ trong làng nghề về việc đăng ký nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, in bao bì sản phẩm.
Thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn các hộ hoàn thiện các tiêu chí quan trọng để đưa sản phẩm tham gia vào OCOP. Song khó khăn không ít là sản phẩm tạo ra vẫn còn nhỏ lẻ, không đủ cung ứng cho thị trường, nhất là mùa mưa và dịp tết. Việc áp dụng máy móc cải tiến sản xuất còn hạn chế, đa phần người dân làng nghề vẫn tráng bánh theo kiểu thủ công, năng suất và lợi nhuận thấp, sản phẩm tạo ra không nhiều. Làng nghề tráng bánh Phú Triêm đang cần được tiếp sức để xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trong đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng cơ sở, quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết kế bao bì, nhãn mác, logo, dán tem nhãn lên sản phẩm…là hết sức cần thiết…