Hình minh hoạ.
Trong số này, có 3 sản phẩm đã tham gia phương án thí điểm OCOP năm 2018 là bánh đậu xanh (cơ sở sản xuất kinh doanh Nguyễn Thị Bông), tương ớt mè (Công ty TNHH Đại Chí Foods) và đèn lồng Hội An (Công ty TNHH dịch vụ Hoa Nam). 4 sản phẩm mới là sợi mì cao lâu Tô Văn Bình (cơ sở sản xuất Tô Văn Bình), nước mắm truyền thống Tư Tài (cơ sở chế biến nước mắm Tư Tài), đĩa Chùa Cầu (cơ sở mộc truyền thống Kim Bồng Xuân Nguyên) và trà rừng Cù Lao Chàm (Công ty cổ phần tập đoàn HANN). Qua đánh giá của TP, sản phẩm đèn lồng Hội An đạt 5 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao là trà rừng Cù Lao Chàm và tương ớt mè; các sản phẩm còn lại được đánh giá 3 sao. Cả 7 cơ sở này đều có điều kiện, hiện trạng sản xuất đảm bảo tiêu chí. Qua đánh giá và kiểm tra thực tế, TP Hội An đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Hội đồng đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận 7 sản phẩm này.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.