Chú thích ảnh: Sản phẩm OCOP của Cơ sở sản xuất kinh doanh Hà Vy- Nam Trà My.
Để duy trì được nguồn nguyên liệu sản xuất, UBND huyện Nam Trà My đã triển khai cho nhân dân 10/10 xã trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gồm các cây dược liệu như: sâm nam (đẳng sâm), đương quy, đinh lăng, sa nhân,... Cách làm là cấp xã tuyên truyền, vận động và lập danh sách các hộ đăng ký trồng cây dược liệu (ưu tiên các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo) gửi các ngành chuyên môn ở huyện kiểm tra các điều kiện để tham gia. Sau đó huyện cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật, kết hợp với cơ quan, đơn vị giúp hộ nghèo trực tiếp xuống hướng dẫn người dân cách trồng cây dược liệu đúng kỹ thuật. Sau một thời gian, kiểm tra, nghiệm thu mới hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, còn hướng dẫn, vận động các hộ dân vay vốn từ các nguồn tín dụng ưu đãi để trồng thêm cây dược liệu. Đến nay, hầu hết nhân dân, nhất là các hộ đăng ký thoát nghèo đều tham gia trồng cây dược liệu.
Lấy việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là việc làm quan trọng, huyện Nam Trà My đã xác định Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng hiện có của mỗi xã trên địa bàn huyện.
Các sản phẩm tham gia gồm: Túi thơm hương quế Trà My, Mật ong Trà My, Măng ớt, Thuyền Buồm tre, Chè Dây túi lọc, Trà túi lọc Giảo cổ lam, Cao Đảng sâm, Trà túi lọc Đinh lăng, Sapharton sâm Ngọc Linh, Măng nứa, Mứt sâm nam và Bột quế gia vị.
Huyện cũng đã triển khai xây dựng Phương án hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu tham gia Phương án thí điểm Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy việc liên kết trong sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thí điểm sản phẩm đặc trưng địa phương trên địa bàn huyện cho 02 cơ sỏ: Cơ sở Mười Cường với sản phẩm Giảo cổ lam và cơ sở Hà Vy với sản phẩm Trà túi lọc khổ qua rừng, với tổng kinh phí thực hiện là 452 triệu đồng.
Chị Lương Nguyên Hà – Cơ sở sản xuất kinh doanh Hà Vy cho biết, đây là năm thứ 3 cơ sở của chị tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của chị tham gia năm 2018 (Trà túi lọc Khổ qua rừng), năm 2019 (Trà túi lọc rau má rừng) đều được công nhận sản phẩm đạt 3 sao cấp Tỉnh. Năm 2020, chị tiếp tục đăng ký 03 sản phẩm: Chè Dây túi lọc, Trà túi lọc Giảo cổ lam, Cao Đảng sâm. “Với hy vọng quảng bá sản phẩm đặc trưng của huyện ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo đầu ra ổn định cho dược liệu Nam Trà My, dự định năm tới cơ sở sản xuất kinh doanh của tôi sẽ cho ra mắt sản phẩm Trà Dây túi lọc thanh Quế” – chị Hà cho biết thêm.
Cùng với đó, tháng 12/2018, Cơ sở chế biến từ dược liệu “Mười Cường” tham gia dự thi chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, “Trà giảo cổ lam” của chị đã đạt danh hiệu sản phẩm 3 sao cấp tỉnh, và được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019. Hiện tại, các loại sản phẩm được chế biến từ dược liệu của Cơ sở kinh doanh “Mười Cường” được lựa chọn để tham gia đề án OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) của tỉnh. Việc tham gia OCOP sẽ giúp câu chuyện về bao bì, nhãn mác cũng như quảng bá, thị trường của sản phẩm sẽ đi thêm những bước dài nữa. “Hiện nay, ở Nam Trà My cũng như nhiều địa phương khác có rất nhiều cơ sở kinh doanh dược liệu, nhưng giá thành thu mua của họ cho sản phẩm của đồng bào lại quá thấp, thậm chí ép giá bà con để bán thành phẩm ra thị trường với giá thấp hơn. Việc cạnh tranh không lành mạnh như vậy khiến nhiều sản phẩm của mình bị khách hàng so bì về giá cả” - chị Hồ Thị Mười- Chủ cơ sở chế biến dược liệu “Mười Cường” chia sẻ.
Ngoài ra, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng Đề án Phát triển các sản phẩm chế biến từ cây Quế Trà My năm 2020 theo Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình OCOP gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam xem xét, phê duyệt./.