Chi tiết tin

A+ | A | A-

Khăn lụa Mã Châu - sản phẩm đạt 3 sao OCOP

Người đăng: Bùi Thị Thùy Dung Ngày đăng: 7:51 | 09/10 Lượt xem: 591

Tại Quyết định số 14/QĐ-UBND, ngày 03/01/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam, sản phẩm khăn lụa Mã Châu của Công ty TNHH Lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên đã được công nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm khăn lụa này.



Những sản phẩm lụa Mã Châu.


Thông qua Chương trình OCOP, đơn vị sản xuất sản phẩm này sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực hơn từ phía các ngành chức năng để từng bước nâng cấp, hoàn thiện công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm Mã Châu, hiện nay, đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng lụa cho hơn 10 đơn vị doanh nghiệp thiết kế thời trang xuất khẩu, lập một trang mạng bán hàng online để cung ứng cho người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất cũng sẽ ký hợp đồng quảng bá, cung cấp sản phẩm lụa tơ tằm Mã Châu với các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ để quảng bá và cung ứng lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu cho thị trường người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Được biết, Làng nghề Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và được nhiều người biết đến nhiều nhất từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam.

Ngay từ khi xuất hiện, lụa Mã Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi sự tinh tế trong hoa văn và sự phối màu hài hòa của người thợ dệt. Lụa tơ tằm Mã Châu đẹp, bền nhờ được dệt từ những kén tơ do tằm được nuôi bằng lá cây dâu sinh trưởng từ nguồn phù sa màu mỡ do ba con sông Thu Bồn, Vu Gia, Bà Rén bồi đắp cùng với sự khéo léo, cẩn thận, tay nghề giỏi của người thợ.

Để có một sản phẩm lụa tơ tằm đạt chất lượng và thẩm mỹ, người thợ phải sản xuất, làm việc hết 100% tâm trí trong các công đoạn: nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa - tẩy nhuộm màu để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Nhờ thế, lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu sẽ có những đặc tính mà các vải lụa công nghiệp không thể có được, đó là: thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi, chống độc tố. 

Theo những người lớn tuổi trong làng cho biết, thời phong kiến, lụa Mã Châu là một trong những sản vật để cống tiến cho triều đình nhà Nguyễn may trang phục cho các vua, hoàng hậu, hoàng tử công chúa và quan lại trong triều.

Trải qua những thời kỳ đầy biến động, thăng trầm, làng Mã Châu luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền nghề dệt lụa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chình nhờ lòng yêu nghề của những người dân và sự quan tâm đúng mực của chính quyền nơi đây đã giúp cho Mã Châu vượt qua cơn khủng hoảng để ngày càng phát triển, mở rộng.

Tác giả: Thùy Dung

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: