Nước mắm Hà Quảng là sản phẩm OCOP đặc trưng ở Điện Bàn.
Làng nghề nước mắm Hà Quảng thuộc 4 khối phố gồm: Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Hà Quảng Bắc và Hà Quảng Gia thuộc phường Điện Dương. Nghề chế biến hải sản, đặc biệt là nghề chế biến nước mắm có từ rất lâu đời và được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2004. Làng nghề nằm ven biển vùng bãi ngang nên cá cơm đánh bắt trên biển đem về là đưa ngay vào chế biến. Đặc biệt là nước mắm nhỉ cá cơm. Quy trình sản xuất từ cá cơm cho đến khi thành nước mắm trải qua thời gian khá lâu.
Năm 2019, nước mắm Hà Quảng được UBND tỉnh xếp hạng OCOP 3 sao. Bà Trần Thị Thuận - cơ sở Nước mắm Hà Quảng (khối Quảng Gia, phường Điện Dương) chia sẻ “Để có nước mắm ngon, cá cơm than từ biển mang về loại bỏ tạp chất, trộn muối theo một tỷ lệ nhất định. Muối phải là muối không có tạp chất thì nước mắm khi thành phẩm mới không có vị đắng, chát. Sau khi trộn muối theo đúng tỷ lệ 5:2 (tức là 5 thau cá, 2 thau muối) sẽ ủ phơi nắng 6 - 8 tháng để cá rục ra rồi mới lọc nước mắm. Do được làm duy nhất từ cá cơm than nên nước mắm Hà Quảng ngon, đậm đà và thơm dịu. Đặc biệt, sản phẩm không có hóa chất nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”.
Từ khi được xếp hạng OCOP, trung bình mỗi tuần cơ sở chế biến nước mắm tăng sản lượng tiêu thụ hơn hàng trăm lít so với cùng kỳ trước đây. Một số khách sạn, resort trên địa bàn cũng đã kết nối đặt hàng để cung ứng sản phẩm chất lượng cao phục vụ chế biến thức ăn cũng như làm quà cho khách du lịch. Ngoài ra, số khách lẻ, vãng lai trên tuyến Đà Nẵng - Hội An ghé mua cũng tăng lên do có bảng hiệu nhận diện.
Bên cạnh đó, thị xã Điện Bàn nhìn nhận, OCOP là chương trình có ý nghĩa xã hội hết sức quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết bài toán về việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời góp phần khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất những sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, chương trình này giúp địa phương phát huy thế mạnh, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.