Các chính sách cụ thể như sau:
1.Hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ (bao gồm các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và các chứng nhận chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; sản xuất nông nghiệp hữu cơ).
- Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, ISO, HACCP theo dự toán do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP, hữu cơ, GACP- WHO, ISO, HACCP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn; biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn.
- Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGap, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, GACP- WHO, ISO, HACCP: Hỗ trợ tối đa 100% được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM): mức định mức tối đa cho dự án cấp xã thực hiện (tối đa 300 triệu đồng), dự án cấp huyện thực hiện (tối đa 1.000 triệu đồng).
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại.
2.Hỗ trợ tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác sản phẩm: Hỗ trợ tối đa 100% nhưng không quá 30 triệu đồng/cơ sở.
HTX Phước Hà – Tiên Phước đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói bao bì, gắn nhãn mác lên trái cam giấy để đưa vào cửa hàng sạch
3.Hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu (gồm: Các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, hóa chất (gồm thuốc bảo vệ thực vật/chế phẩm sinh học, vắc xin, hóa chất xử lý ao nuôi thủy sản)) trong dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua giống và chi phí mua vật tư thiết yếu ở địa bàn khó khăn, huyện nghèo. Hỗ trợ tối đa 70% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu ở địa bàn trung du miền núi, bãi ngang. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu ở địa bàn đồng bằng.
Cụ thể:
a) Đối với chuỗi sản xuất trong trồng trọt: Hỗ trợ cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật/chế phẩm sinh học.
b) Đối với chuỗi sản xuất trong chăn nuôi: Hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tiền mua vắc xin và chi phí bảo quản vắc xin để tiêm phòng đối với các bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn, cúm gia cầm.
c) Đối với chuỗi sản xuất trong lâm nghiệp (hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ): Hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật/chế phẩm sinh học.
d) Đối với chuỗi sản xuất trong nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ con giống, thức ăn, hóa chất cải tạo ao nuôi.
4. Hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm:
Mức hỗ trợ tối đa 100% nhưng không quá 250 triệu đồng/dự án/cơ sở ở địa bàn khó khăn, huyện nghèo; tối đa 70% nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án/cơ sở ở địa bàn trung du miền núi, bãi ngang; tối đa 50% nhưng không quá 150 triệu đồng/dự án/cơ sở ở địa bàn đồng bằng.
5.Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp điểm bán hàng, trung tâm OCOP
- Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp điểm bán hàng đối với cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm (như siêu thị Mini Mart, cửa hàng tiện lợi, của hàng kinh doanh tổng hợp, shop,…) có hợp đồng liên kết với các cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm từ các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ngành nghề nông thôn, OCOP: Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 100 triệu đồng/điểm bán hàng để sửa chữa nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng. Hỗ trợ sau đầu tư sau khi có đầy đủ chứng từ theo quy định, biên bản nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân tối thiểu phải đạt từ 500 triệu đồng/năm trở lên).
- Hỗ trợ Trung tâm OCOP (khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng Trung tâm OCOP và quản lý sau này; ngân sách Nhà nước hỗ trợ để trang trí, bảng hiệu, cửa kính, tủ, giá, kệ, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ Trung tâm OCOP, các nội dung khác có liên quan đầu tư cơ sở vật chất của Trung tâm OCOP nhưng không có tính chất xây dựng cơ bản):
+ Trung tâm OCOP cấp huyện: Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng cho 1 Trung tâm OCOP cấp huyện.
+ Trung tâm OCOP cấp tỉnh: Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 1.000 triệu đồng cho 1 Trung tâm OCOP cấp tỉnh.
6.Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng thị trường
- Hỗ trợ xây dựng câu chuyện sản phẩm: Mức hỗ trợ không quá 3 triệu đồng cho câu chuyện sản phẩm, với điều kiện sản phẩm đó tham gia Chương trình OCOP và đạt từ 3 sao trở lên.
- Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ tư vấn; chi phí đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu (bao gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu cá nhân) và hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa. Hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung trên theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại: Hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7.Hỗ trợ quản lý chất lượng, bảo hộ sở hữu thương hiệu
- Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phân tích thành phần định lượng của hàng hoá theo quy định hiện hành của Nhà nước về nhãn hàng hoá theo mức phí của cơ quan có thẩm quyền quy định; tối đa 70% kinh phí thẩm định, điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực thẩm, dược phẩm theo mức phí của cơ quan có thẩm quyền. Mức hỗ trợ các nội dung trên không quá 10 triệu đồng/sản phẩm.
- Hỗ trợ tối đa 100% chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Mã vạch, mã QR Code (Quick Response Code), nhưng mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng/cơ sở (hoặc hỗ trợ bằng tem điện tử tương đương với mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng), với điều kiện sản phẩm đó có tham gia Chương trình OCOP và thi phân hạng đạt 03 sao trở lên.
- Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: Hỗ trợ tối đa 100% theo định mức hỗ trợ quy định tại Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 03/7/2012 của UBND tỉnh Ban hành quy định về hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá và công bố hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế; thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng; hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ; đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa đã có tiêu chuẩn quốc gia; đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nước ngoài cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và xuất khẩu.
8.Hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp, HTX có phương án kinh doanh tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị/ngành nghề nông thôn/OCOP:
- Hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp (chỉ áp dụng đối với địa bàn khó khăn, huyện nghèo): Hỗ trợ tối đa 100% nhưng không quá 8 triệu đồng/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thành lập mới HTX, liên hiệp HTX: Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã.
UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì hướng dẫn các địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình NTM; Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn kinh phí; các Sở, ngành liên quan, Liên minh HTX tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp triển khai thực hiện.