Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thông báo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019

Người đăng: Admin Ocop Ngày đăng: 7:59 | 06/01 Lượt xem: 619

Sau khi kết thúc việc đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Ngày 02 tháng 01 năm 2020 Hội đồng ĐGPH SP OCOP năm 2019 thông báo kết quả cụ thể:

1. Về tình hình chung đối với các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP năm 2019:

Hội đồng ĐGPHSP OCOP năm 2019 đã tiếp nhận 95 hồ sơ và 95 mẫu sản phẩm của 86 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2019 của cấp huyện gửi về (sau khi cấp huyện đã đánh giá, xếp hạng). Trong đó cấp huyện đã tổ chức đánh giá, xếp hạng cho sản phẩm dự kiến đạt hạng 05 sao trở lên: 01 sản phẩm; Hạng 04 sao: 26 sản phẩm; Hạng 03 sao: 68 sản phẩm. Nhìn chung, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2019 đã tích cực chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị sản phẩm phục vụ công tác đánh giá cấp huyện và tham gia đánh giá cấp tỉnh; các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng cơ bản đảm bảo các điều kiện theo quy định đề ra (hồ sơ, mẫu sản phẩm). Về đánh giá, phân hạng tại cấp huyện có một số huyện đã tổ chức khá tốt như: Tiên Phước, Hội An, Duy Xuyên... Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện công tác tổ chức đánh giá còn chưa tập trung, nộp hồ sơ dự thi trễ hơn so với yêu cầu; một số đơn vị việc chuẩn bị hồ sơ còn chưa đảm bảo (hơn 20 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm không nộp hồ sơ tự công bố về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh); sắp xếp theo danh mục, đánh số trang, thiếu sót hồ sơ… gây khó khăn và làm chậm trễ cho việc đánh giá, phân hạng.

2. Về kết quả đánh giá, phân hạng cụ thể:

2.1.  Kết quả đánh giá, phân hạng:

- Sản phẩm đạt hạng 05 sao: 00 sản phẩm.

- Sản phẩm đạt từ hạng 3-4 sao: 85 sản phẩm (12 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 73 sản phẩm đạt hạng 3 sao); Hội đồng ĐGPHSP OCOP năm 2019 đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm OCOP theo quy định (đợt 01). Tuy nhiên, các sản phẩm này nhìn chung vẫn còn một số hạn chế như: công tác quảng bá xúc tiến thương mại ngoài tỉnh chưa nhiều; mẫu mã bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng, ghi thông tin còn chưa đầy đủ; nội dung câu chuyện sản phẩm chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa (trên nhãn, tờ rơi, website); nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo; việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng.

Do các sản phẩm đạt 3-4 sao có số lượng khá lớn (85 sản phẩm), nên hạn chế, khiếm khuyết của từng sản phẩm và các thiếu sót trong từng hồ sơ đánh giá không thể ghi hết trong Thông báo này. Giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng cấp tỉnh) căn cứ nhận xét, đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh đối với từng sản phẩm và hồ sơ sản phẩm, để thông báo cho phòng Nông nghiệp và PTNT/phòng Kinh tế cấp huyện và các chủ thể sản xuất được biết, nhằm khắc phục để tham gia thi nâng cấp hạng sao đối với sản phẩm trong các lần tiếp theo.

- Có 05 sản phẩm Hội đồng ĐGPHSP OCOP năm 2019 đề nghị lấy mẫu kiểm định lại: Tinh bột nghệ Xứ Tiên FuKiA (đủ điểm đạt hạng 3 sao, nhưng kiểm định độc lập một số chỉ tiêu chưa đạt, Hội đồng cấp tỉnh yêu cầu kiểm định lại); Viên tinh bột nghệ mật ong FuKiA (đủ điểm đạt hạng 4 sao, nhưng do cùng cơ sở sản xuất với sản phẩm tinh bột nghệ Xứ Tiên FuKiA, nên Hội đồng cấp tỉnh yêu cầu kiểm nghiệm độc lập một số chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm này); Bánh thuẫn bột Ngải (huyện Tiên Phước) và Bột ngũ cốc Cô Một (huyện Thăng Bình) đều đủ điểm đạt hạng 3 sao, nhưng kiểm định độc lập một số chỉ tiêu chưa đạt, Hội đồng cấp tỉnh yêu cầu kiểm định lại; Nấm linh chi Hoàng Hải (huyện Núi Thành), đủ điểm đạt hạng 3 sao, tuy nhiên có một số chỉ tiêu chủ thể kiểm định chưa đạt, Hội đồng cấp tỉnh yêu cầu kiểm định lại. Sau đợt kiểm định này (Tổ công tác chuyên ngành của tỉnh tổ chức lấy mẫu, chủ thể chịu chi phí kiểm nghiệm), nếu kết quả đạt yêu cầu, thì sẽ đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm OCOP theo quy định (đợt 2); nếu kết quả không đạt, thì yêu cầu chủ thể tìm rõ nguyên nhân để khắc phục và tham gia đánh giá, phân hạng lần sau.

- Có 01 sản phẩm đạt dưới 50 điểm (gà Tre Đèo Le của HTX NN Quế Long, huyện Quế Sơn): Do không chứng minh nguồn gốc giống (gà Tre Đèo Le), HTX thu mua trong dân (không có hợp đồng); không có câu chuyện sản phẩm; đặc biệt là không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Hội đồng ĐG&PH SP OCOP năm 2019 đề nghị HTX tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng lần sau.

2.2. Những sản phẩm không đánh giá, xếp hạng: Có 04 sản phẩm, cụ thể:

+ Túi thơm hương quế Trà My- Công ty TNHH Sâm Sang Li: Do phương án sản xuất kinh doanh trong hồ sơ ghi sơ sài, bỏ trống nhiều chỗ; không có hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Theo quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Nhóm thảo dược khác) thì không đánh giá các bước tiếp theo khi hồ sơ không có công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

+ Nước mắm Cửa Khe: Hồ sơ chủ thể đăng ký dự thi là Hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương (Thăng Bình), nhưng bên trong hồ sơ là Giấy đăng ký kinh doanh của các hộ; phiếu kết quả thử nghiệm (Test report), giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các hợp đồng mua bán nguyên liệu... là của từng hộ cá nhân, không phải của Hợp tác xã; nhãn mác trên chai nước mắm ghi là của HTX nông nghiệp Bình Dương, nhưng bên dưới là tên, số điện thoại của các cơ sở sản xuất: Cơ sở sản xuất Bà Lợi, Cơ sở sản xuất Bốn Thái, Cơ sở sản xuất Thanh Hải... Như vậy Hội đồng ĐGPHSP OCOP năm 2019 cấp tỉnh không xác định được chủ thể sản xuất là Hợp tác xã Bình Dương hay hộ gia đình cá nhân, nên không thể đánh giá, phân hạng đối với sản phẩm này. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn chủ thể khắc phục các tồn tại trên, để tham gia phân hạng, đánh giá lần tiếp theo.

+ Mật ong Trà My - CSSX Đoàn Văn Hậu: Hồ sơ ghi sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu là sử dùng mật ong tự nhiên, do vậy vi phạm Điểm b, Khoản 5, Điều 16, Nghị định 35/2019/NĐ-CP Chính phủ, nên không đánh giá, phân hạng.

+ Chuối ép làng Hương Quế, của HTX NN Hữu cơ Phú Mỹ Vương (Sản phẩm được Hội đồng ĐGPSP OCOP năm 2019 đánh giá Lần 1, nhưng bị loại ở lần đánh giá Lần 2). Lý do là sau khi Hội đồng cấp tỉnh đánh giá lần 1, đã tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất; tại thời điểm kiểm tra, nơi sản xuất đặt tại nhà riêng của cán bộ HTX (không phải tại HTX), không có máy móc, trang thiết bị sản xuất chuối ép như Phương án SX-KD của HTX đã nêu trong hồ sơ; HTX không có hoạt động sản xuất, không có sản phẩm chuối ép tại điểm sản xuất ... Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản hiện trạng, có xác nhận của lãnh đạo UBND xã Quế Phú, lãnh đạo Phòng NN&PTNT Quế Sơn, của chủ thể sản xuất và các bên thống nhất không tiếp tục chấm điểm sản phẩm này. Ngoài ra, hồ sơ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được Hội đồng ĐGPH SP OCOP năm 2019 hướng dẫn cho chủ thể sản xuất bổ sung, nhưng đến thời điểm chấm Lần 2, chủ thể không bổ sung giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn sản phẩm chuối ép. Đề nghị UBND huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục hướng dẫn cho HTX khắc phục các mặt hạn chế, thiếu sót trên, để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng trong những lần tiếp theo.

Tác giả: CCPTNT

Nguồn tin: Chi cục PTNT Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: