1. Công tác chỉ đạo điều hành
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong triển khai Chương trình OCOP.
- Kiện toàn hệ thống tham mưu giúp việc, bố trí cán bộ chuyên trách các cấp: Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cấp huyện để quản lý, điều hành Chương trình OCOP theo hướng chuyên nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; rà soát, bố trí cán bộ có năng lực tham mưu Chương trình OCOP các cấp; định kỳ hằng quý tổ chức họp, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các công việc để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
2. Công tác tuyên truyền
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người hiểu được vai trò, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình; từ đó, khơi dậy ý chí tự tin, sáng tạo của người dân và cộng đồng khi tham gia OCOP. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm được UBND tỉnh công nhận từ 3 sao trở lên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Triển khai Chu trình OCOP
- Tập trung triển khai Chu trình OCOP nghiêm túc ngay từ tháng 1-2/2020 tại các địa phương cấp huyện để nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm.
- Có kế hoạch hỗ trợ thành lập các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP khi có nhu cầu đăng ký.
- Trên cơ sở ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020, xác định rõ sản phẩm, tổ chức kinh tế cần hỗ trợ theo các nội dung cụ thể được quy định tại Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày ngày 18/12/2019 về ban hành Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩmtrên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020.
4. Phát triển sản phẩm
- Tập trung hỗ trợ, phát triển các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020 (kể cả sản phẩm năm 2018, 2019 đăng ký nâng cấp).
- Tập trung phát triển các sản phẩm theo kế hoạch đạo điểm của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 và tại Công văn số 7298/UBND-KTN ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh.
- Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá...
Sản phẩm OCOP năm 2019
5. Phát triển tổ chức kinh tế
- Triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất kinh doanh.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo tập huấn bồi dưỡng cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
- Tổ chức hội nghị đối tác OCOP để kết nối chuỗi giá trị đầu vào, tổ chức sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm.
6. Hoạt động xúc tiến thương mại
Hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh có Quyết định công nhận, nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức Hội nghị đối tác OCOP nhằm kết nối giữa các chủ thể tham gia Chương trình OCOP với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tư vấn, hợp tác, liên kết (các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tư vấn, các đầu mối tiêu thụ...) để phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm mới, hoàn thiện bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức các Hội chợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP; kết nối các sản phẩm giữa các địa phương trong tỉnh, để mở các trung tâm, cửa hàng nhằm quảng bá và bán hàng OCOP; có kế hoạch tham dự Hội chợ OCOP quốc gia gắn với sự kiện Năm ASEAN do Việt Nam chủ trì vào quý IV/2020.