Cụ thể, sản phẩm đề nghị Trung ương phân hạng và công nhận 5 sao đó là sản phẩm Đèn lồng Hội An (Đèn lồng Dé Lantana) của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam đóng tại phường Sơn Phong, thành phố Hội An; 03 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Bộ đèn "Thôn nữ" của Công ty TNHH Âu Lạc Gỗ nghệ thuật đóng tại xã Điện Phong, Thị xã Điện Bàn; Gạo "Cái quạt mo" của HTX NN Thanh niên Thăng Bình đóng tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình; Tượng trầm Tâm Linh của Cơ sở kinh doanh Trầm hương Tường Vi đóng tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn và 25 sản phẩm được công nhận hạng 3 sao OCOP.
Sản phẩm công nhận đạt các hạng sao trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận (trừ sản phẩm trình Trung ương đánh giá, công nhận 5 sao); được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP Quảng Nam”, thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 09/01/2019 của UBND tỉnh, Quyết định số 4228/QĐ-UBND ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành. Kết quả công nhận phân hạng có giá trị trong 03 năm (36 tháng), kể từ ngày Quyết định được ký ban hành.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP) tham mưu tổ chức việc trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận phân hạng OCOP; tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng 5 sao đối với sản phẩm tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể sản xuất thực hiện việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm được công nhận thứ hạng sao theo quy định; phối hợp thực hiện việc kiểm tra sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm; đề xuất xử lý nếu các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu logo OCOP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.