Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, HTX còn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tín dụng, môi trường, chăm sóc sức khỏe, dược, giáo dục, tin học, xây dựng, giao thông vận tải…
Quảng Nam là tỉnh từng có phong trào HTX khá mạnh, nổi danh cả nước một thời như Duy Sơn 2, Đại Hiệp, Điện Nam 2, Điện Thọ... Trong những năm gần đây, số còn hoạt động khoảng 184 HTX, cũng đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Đa dạng hóa ngành nghề
Dù còn nhiều “lận đận” nhưng nếu biết tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, điều hành quản lý cho hiệu quả thì mô hình kinh tế HTX còn nhiều hữu ích. Đặc biệt, nếu hoạt động theo phương châm “hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng”, giải quyết hài hòa khâu lợi ích của xã viên trong cộng đồng chung, thì HTX sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Một trong những hoạt động khả thi cần chú ý là tổ chức thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Với đề án OCOP, Quảng Nam đặt ra mục tiêu định hướng đến năm 2030 có đến 500 sản phẩm được xây dựng. Bước đầu, Nhà nước sẽ đầu tư “vốn mồi” với việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quy hoạch, phát triển mạng lưới sản xuất, phân phối sản phẩm, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến đầu tư… Trung hạn và dài hạn, vốn đầu tư phát triển OCOP chủ yếu là của cộng đồng.
Như thế, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ được hỗ trợ bước đầu (trong đó ưu tiên phát triển HTX, DNNVV).
Lấy OCOP làm một hướng đột phá
Đáng lưu ý là có sự hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình như: Nhà xưởng, nhà kho, sân phơi, mua máy móc, thiết bị, công cụ; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; mua bao bì nhãn mác sản phẩm; xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu thương hiệu; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Nói là dài hạn vì với OCOP có điểm bắt đầu mà không có kết thúc, nhưng Quảng Nam khẩn trương triển khai.
Cụ thể, ông Mai Đình Lợi - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh sẽ phát triển, hoàn thiện 31 sản phẩm OCOP (ít nhất 20 sản phẩm qua dự thi theo chu trình OCOP được xếp hạng đạt 3 sao trở lên và tham gia xúc tiến thương mại tại Hội chợ Xuân đầu năm 2019).
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ hình thành 2 - 3 điểm cửa hàng để giới thiệu sản phẩm và bán hàng OCOP (hỗ trợ 200 triệu đồng/cửa hàng để mua sắm ban đầu trang thiết bị bên trong và trang trí điểm bán hàng); vận động thành lập 3 - 5 DN, HTX gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP theo chuỗi liên kết giá trị.
Lấy OCOP làm một hướng đột phá có lẽ sẽ tạo được chuyển biến về hiệu quả hoạt động của các HTX. Đừng ám ảnh về mô hình HTX một thời để “định kiến” rằng HTX không có cơ hội phát triển.
Một báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết, trên thế giới có tới 2,6 triệu HTX với hơn 1 tỷ xã viên ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số HTX này đang nắm trong tay tài sản 20.000 tỷ USD và đang sinh lời 3.000 tỷ USD/năm.
Vấn đề là tổ chức sản xuất, kinh doanh phải dựa trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm và quyền lợi, chọn lựa hợp lý về chiến lược phát triển sản phẩm (chẳng hạn như loại hình OCOP) sẽ tạo ra cơ hội thịnh vượng.